TPHCM cần tăng cường mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân

(VOH) - Sáng 5/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân TPHCM về các vấn đề vệ sinh môi trường, chất lượng nguồn nước và an toàn thực phẩm.

Tại buổi làm việc Bộ Y tế đặc biệt quan tâm đền nguồn nước sinh hoạt tại thành phố, đa phần được đánh giá là đạt chất lượng. Tuy nhiên một số chỉ tiêu như Clo, độ đục, nhiễm mangan, sắt… ở một số nhà máy nước khu vực ngoại thành, nhà dân vẫn chưa đạt yêu cầu; Vẫn còn tình trạng người dân phải tự khai thác nước để dùng từ nguồn nước mưa, nước giếng khoan...; Một thành phố hiện đại như TPHCM nhưng vẫn có trên 3.000 nhà tiêu ao cá, trong đó tập trung chủ yếu ở các khu vực ngoại thành như quận 8, quận 12, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ ...

Trong buổi khảo sát của Đoàn công tác vào ngày hôm qua, 4/8, tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, kết quả lấy mẫu xét nghiệm ở ổ dịch này cho thấy, có 8 mẫu là các tác nhân gây tiêu chảy, môi trường xung quanh là điều kiện thuận lợi để phát sinh vi khuẩn E.coli. Nhiều hộ gia đình trực tiếp thải phân xuống ao hồ… rồi lại sử dụng nước này trong sinh hoạt.


Bộ trưởng Nguyễn Thi Kim Tiến thăm hỏi người dân ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh - Ảnh: Laodong.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị thành phố tăng cường mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho người dân, rà soát lại các chỉ tiêu không đảm bảo, chấm dứt tình trạng cầu tiêu ao cá, có thể thay thế bằng cầu tiêu giá rẻ, cải thiện ngay tình trạng vệ sinh môi trường: "Nhiễm khuẩn đầu tiên là dịch tả, bị nhiễm là do phân, trong nước có phân, có nơi cao đến hơn 10 lần cho phép, chỉ cho phép 50 vi khuẩn trên 100ml thì ở một số trạm cấp nước ở các quận vùng ven có 510, tức là gấp 10 lần. Ngoài ra còn nhiễm E.coli, E.coli ở quận 8, huyện Nhà Bè, Cần Giờ...nguồn nước cũng nhiễm bẩn. Về lâu dài thì chưa nói đến, nhưng trước mắt là dịch tả sẽ bùng lên những dịch lớn. Dịch lan rộng ở nguồn nước rồi kháng khuẩn dẫn đến tử vong cao, vì vậy đề nghị chúng ta phải làm thật quyết liệt".

* Hôm 4/8, Bộ Y tế cho biết, đã gửi công văn khẩn đến Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trong cả nước, đề nghị tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola. Trong đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các nước có dịch bệnh, đồng thời giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế.