TPHCM: Công tác giảm nghèo bước sang chặng đường mới

(VOH) - Từ năm 2016 đến nay, TPHCM huy động gần 11.800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững.

Buổi Đối thoại cùng chính quyền TP tháng 12/2018 thực hiện với chủ đề “Tác động từ các chiều nghèo xã hội và ý chí của hộ nghèo lên chương trình Giảm nghèo Bền vững” do Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) thực hiện diễn ra sáng 29/12.

Từ năm 2016 đến nay, TPHCM huy động gần 11.800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy trong 3 năm qua đã có hơn 62.000 hộ nghèo và hơn 20.000 hộ cận nghèo vươn lên và TP hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn 2 năm. Số hộ cận nghèo dự kiến còn lại đến cuối năm 2018 là khoảng 28.000 hộ, chiếm tỷ lệ khoảng 1,4% tổng hộ dân TP.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Ban Văn hóa – Xã hội HĐND có nhận định về chương trình này giai đoạn từ 2016 cho tới nay: “Trong hoạt động giảm nghèo, tôi cho rằng vai trò trách nhiệm của Ban Chỉ đạo giảm nghèo ở địa phương rất quan trọng trong việc khảo sát, đánh giá và bình nghị hộ nghèo, hộ cận nghèo. Và tôi thấy rằng ở địa phương các đồng chí làm rất trách nhiệm. Chính vì vậy, chúng ta đã đạt được, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo sớm, trước 2 năm. Kết quả đạt được này là một sự quyết tâm chính trị rất cao của toàn bộ." 

Các khách mới tham dự chương trình Đối thoại cùng chính quyền Thành phố tháng 12/2018.  

Các khách mới tham dự chương trình Đối thoại cùng chính quyền Thành phố tháng 12/2018.  

Tại buổi đối thoại, cử tri Trần Đình Nam – quận Tân Phú đặt câu hỏi: “Tính đến thời điểm này TP đã có bao nhiêu địa bàn quận huyện đã hoàn thành chương trình Giảm nghèo Bền vững giai đoạn 2016 -2020? Việc công nhận quận huyện hoàn thành sớm chương trình như vậy có ý nghĩa và giá trị như thế nào?”

Thắc mắc về việc xây dựng, ban hành chính sách giảm nghèo của TP, đại diện cử tri quận 10, bà Vũ Thị Mai Hương – hỏi: “Hiện nay việc xây dựng, ban hành chính sách giảm nghèo của TP được tiến hành dựa trên quá trình giám sát, khảo sát thực tế, nghiên cứu dự báo ra sao hay dựa vào những yếu tố nào để đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả cho chính sách?”

Trả lời vấn đề đại diện cử tri quận Tân Phú và quận 10 nêu tại buổi Đối thoại, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biếtt, đến nay, TPHCM có 11 quận, trong đó 10 quận không còn hộ nghèo và 1 quận là quận 5 không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Kết quả này được đánh giá là một sự nỗ lực lớn của TP cũng như các quận/huyện đã quan tâm, chăm sóc đời sống cho người nghèo thời gian qua; Có ý nghĩa tác động trực tiếp đến Chương trình Giảm nghèo một cách bền vững nhằm triển khai giai đoạn mới, nâng mức thu nhập lên trong việc đáp ứng yêu cầu phát triển của TPHCM.

Phản hồi cho những thắc mắc từ chị Mai Hương, cử tri quận 10, ông Lê Minh Tấn cho biết, công tác giảm nghèo TPHCM giai đoạn tới cũng gắn với tiếp cận đa chiều, tiếp cận nguồn vốn của TP, cũng như xuất phát từ điều kiện kinh tế xã hội của TP mà đề ra chính sách này. Mỗi chính sách giảm nghèo có mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế và mục đích để hỗ trợ cụ thể, tác động trực tiếp đến từng nhóm hộ nghèo và hộ cận nghèo, làm sao chúng ta không để trùng lắp và cũng không bỏ sót hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Qua đây, chúng ta đẩy mạnh Chương trình tuyên truyền để mọi người nhận thức được vấn đề này nhằm tác động tốt đến Chương trình Giảm nghèo bền vững của TP; Từ giảm dần trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho người nghèo, nghĩa là chúng ta trao cần câu chứ không trao con cá, để cho người nghèo tự ý chí vươn lên để thoát nghèo bền vững.” - ông Lê Minh Tấn cho biết thêm. 

Tham gia Chương trình, cử tri Đinh Hoàng Thái, ngụ tại quận 12 muốn biết về việc người dân ở các quận, huyện vùng ven TP được những chính sách, chương trình hỗ trợ như thế nào về mặt tiếp cận thông tin. Đại diện Ban Giảm nghèo bền vững các quận/huyện vùng ven TP, bà Phan Thị Cẩm Nhung – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh thông tin việc hộ nghèo và hộ cận nghèo đã được tiếp cận thông tin tại địa phương.

“Riêng ở huyện Bình Chánh, thời gian qua, huyện cũng đã phối hợp, hỗ trợ được hơn 2000 đầu thu kỹ thuật số và ti vi, hỗ trợ hơn 250 điện thoại di động cho các hộ nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, để đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sốg cho người dân ở lĩnh vực tinh thần thì Huyện cũng tổ chức rất nhiều các hoạt động văn hóa tinh thần cho người dân, nhất là ở những xã xa trung tâm TP để người dân ở huyện ngoại thành nói chung và các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng thụ, được tiếp cận các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí lành mạnh.”  - bà Phan Thị Cẩm Nhung nói.

Điện thoại đến Chương trình, cử tri Lê Bảo Trân, nhà ở quận Bình Thạnh băn khoăn: “Nếu một gia đình có thành viên lao động chính đột ngột bị mất sức lao động hoàn toàn thì sẽ được hưởng chính sách, hỗ trợ cụ thể ra sao?

Bà Lê Thị Thanh Thảo – Phó Chủ tịch UBND quận 6 cho biết: “Tại quận 6, trước tiên, cán bộ chuyên trách giảm nghèo của Phường cùng với Chính quyền địa phương sẽ đến khảo sát và nắm lại tình hình của hoàn cảnh gia đình. Trong trường hợp lao động chính mà mất sức lao động thì chúng tôi sẽ có những chính sách về hỗ trợ thường xuyên và theo hướng dẫn của Văn phòng Ban Giảm nghèo bền vững TP cùng Ủy ban MTTQ TP; mức hỗ trợ sẽ tùy thuộc vào số lượng thành viên của hộ. Ví dụ, đối với những hộ có từ 3 đến 5 thành viên sẽ được hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng; từ 5 – 7 thành viên là 700 ngàn/tháng; từ 7 – 10 thành viên là 1 triệu đồng/tháng. Trên địa bàn quận 6 hiện nay, hộ được hỗ trợ cao nhất trong trường hợp như cử tri Bảo Trân đặt câu hỏi là 2 triệu 200 ngàn/tháng. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải nắm lại các chiều xã hội mà gia đình có thể sẽ bị thiếu hụt. Đặc biệt là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.”

Năm 2019, TPHCM dự kiến huy động nguồn lực để thực hiện các giải pháp giảm nghèo là 4.670 tỷ đồng, năm 2020 là 4.736 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, TP hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn TP giai đoạn 2019 – 2020, tức là tiêu chuẩn thu nhập sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng lên với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5% và thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với năm 2011.

Để đạt được kết quả tốt nhất, giá trị và động lực cốt lõi của chương trình Giảm nghèo Bền vững trên hết chính là khơi dậy ý thức, nghị lực và nỗ lực của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt khó để vươn lên, cùng xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bán gạo giá ưu đãi, giảm từ 20%-40% so với giá thị trường cho người lao động - Sáng 29/12, Liên đoàn lao động TP và Công ty cổ phần sản xuất nông sản Kim Sáng tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác về thực hiện chương trình “Gạo sạch dành cho Cán bộ, Công đoàn viên, ...
2018: Kiểm tra gần 15.200 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố - hơn 6.200 cơ sở vi phạm - Tối 28/12, tại chợ Phạm Văn Hai, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (QLATTP) tổ chức Lễ phát động “Chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố”.