TPHCM giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn về lao động và bảo hiểm

(VOH) - Như tin đã đưa, ngày 28/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với lãnh đạo Sở Lao động thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự đối thoại có hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.


Người lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM.Ảnh:PNO

Gần 100 câu hỏi các doanh nghiệp đưa ra và được đại diện Sở Lao động thương binh và xã hội cùng Bảo hiểm thành phố giải đáp thấu đáo, tận tường. Các vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất là việc thực hiện quy chế làm việc tại doanh nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, phương thức thanh toán đối với lao động nghỉ thai sản theo quy định mới muốn quy lại làm việc sớm, quy định trả lương tối thiểu cho lao động, thực hiện việc chi trả và đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động chuẩn bị nghỉ việc, hưu trí; xây dựng, đăng ký thang bảng lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu, các chế độ đối với lao động làm thêm giờ…Liên quan đến vấn đề tính lãi suất khi doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm, bà Hồ Thị Hồng Nhung, Công ty trách nhiệm hữu hạn Lynk nêu thắc mắc: "Doanh nghiệp chuyển tiền BHXH trong tháng của nhân viên cho cơ quan bảo hiểm, thì thời gian nào bắt đầu quy định tính lãi đối với DN. Khi liên hệ với quản thu của BHXH thì người ta nói là chỉ quy định trong tháng thôi, nếu phát sinh trong tháng sau sẽ bắt đầu tính lãi. Nhưng căn cứ theo công văn 555 của BHXH thì DN cũng có nói là không tính như vậy. Người ta nói là sẽ tính lãi của bảo hiểm y tế, và bảo hiểm thất nghiệp, còn bảo hiểm xã hội thì không tính lãi 30 ngày".


Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Quang Khánh, Phó giám đốc BHXH thành phố nói: "30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải nộp BHXH thì sẽ bắt đầu tính lãi, cụ thể ví dụ tiền bảo hiểm xã hội đóng tháng 11 mà doanh nghiệp để sang đến ngày 1/1 năm sau, tức là quá 30 ngày thì sẽ bắt đầu tính lãi. Hiện nay có chuyện là khi doanh nghiệp đóng chưa đủ tiền, thì quỹ tự động phân bổ ưu tiên 1 là BHYT để cấp thẻ cho người lao động, ưu tiên 2 là BHTN sau đó còn lại mới chuyển sang BHXH".

Giải quyết các chế độ trợ cấp thôi việc, thực hiện chế độ lương hưu đối với người lao động là các chính sách an sinh của nhà nước. Tuy nhiên, một số trường hợp đã dùng nhiều biện pháp lách luật để có thể hưởng lợi nhiều hơn từ những quy định này. Nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng khó khăn trong giải quyết chính sách. Ông Lê Thái Bình, Công ty Cổ phần Cây trồng Miền Nam bày tỏ: "Đối với người nghỉ hưu theo chế độ hưu trí thì không giải quyết theo chế độ trợ cấp thôi việc, đó là quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo tôi phân tích thì nó không có lợi cho người lao động, tức là khi nghỉ hưu thì chế độ tiền lương hưu trí thấp, nhưng mà khi có trợ cấp thôi việc, nếu người ta công tác thời gian dài thì phần này doanh nghiệp trả, Tuy nhiên, từ bộ luật cũ đế bộ luật mới cũng quy định điều khoảng này, người lao động nếu lách luật sẽ được hưởng 2 khoảng, nghĩa là trước thời điểm nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi thì người ta sẽ làm đơn để xin nghỉ việc".

Đồng cảm và thấu hiểu vấn đề này cùng với doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng lao động tiền lương tiền công, Sở Lao động Thương Binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Nếu thời điểm đó họ không phải là hưu trí thì họ vẫn được trợ cấp thất nghiệp, trong trường hợp những người tính kỹ thì trong trường hợp họ là đối tượng được hưởng 6 tháng trợ cấp thất nghiệp thì họ sẽ nghĩ trước 7 tháng, đến tháng thứ 6 họ nhận xong BHTN họ sẽ chuyển sang nhận sổ hưu trí, người lao động có quyền lựa chọn những gì có lợi hơn cho mình, và sự lựa chọn đó làm cho DN bối rối. Chúng tôi về góc độ quản lý nhà nước có phản ánh tại các hội nghị, ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội…chỗ này chúng ta ghi nhận và chia sẻ".

Nhìn chung các doanh nghiệp còn nhiếu bất cập trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật, các nghị định vào thực tế. Mỗi doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn riêng. Đây là dịp để các ngành chức năng tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất lao động và thực hiện các quy định của pháp luật đối với người lao động được tốt hơn. Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Trường Nhân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh nói: "Trước tình hình khó khăn của các hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi thấy rằng chúng tôi phải làm một cái gì đó để trực tiếp cùng với các đồng chí, cùng với các anh em lao động, chúng ta thực hiện những chính sách, những quy định của pháp luật để làm sao người lao động yên tâm công tác và đặc biệt những khó khăn từ các doanh nghiệp được các lãnh đạo sở ngành trực tiếp lắng nghe để trong khả năng cao nhất của mình có thể tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp".

Đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên của Tổ đối thoại, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và đầu tư thành phố; góp phần thúc đầy nền kinh tế thành phố ngày càng vững mạnh hơn./.