TPHCM hướng đến đô thị xanh

(VOH) - Khái niệm mảng xanh đô thị được hình thành trong quá trình phát triển đô thị với vai trò tạo cảnh quan và cải thiện môi trường, khi không gian sống ngày càng bị thu hẹp và sức khỏe con người bị đe dọa bởi sự ô nhiễm. Với nỗ lực chung của chính quyền thành phố trong công tác quy hoạch mảng xanh đô thị, nhiều khu đô thị mới đã dành nhiều diện tích hơn cho không gian xanh. Và mùa xuân này, người dân TP Hồ Chí Minh hài lòng chứng kiến diện mạo xanh tươi đang chuyển mình từng ngày trên các góc phố, tuyến đường trung tâm, tất cả đang nỗ lực chạy nước rút hướng đến "thành phố xanh" tương lai.


Mảng xanh vừa được trồng bên đường Võ Văn Kiệt.

Ở nước ta, công cuộc đổi mới vào năm 1986 đã mở ra một thời kỳ phát triển đô thị hóa rất nhanh. Năm 1990, cả nước mới có 500 đô thị, đến năm 2000 tổng số đã là hơn 600 và đến nay tổng số đô thị ở nước ta đã đạt tới con số trên 700. Hầu hết các đô thị đều quy hoạch, xây dựng và phát triển theo phương pháp truyền thống, ít chú trọng đến quy hoạch đô thị gắn với không gian xanh. Trong khi đó tại nhiều nước trên thế giới, khái niệm đô thị xanh, đô thị sinh thái không xa lạ gì. Chính vì vậy, tại TP.HCM những năm gần đây đã và đang có một sự chuyển biến khá rõ rệt về công tác quy hoạch mảng xanh đô thị, nhằm dần đưa thành phố không chỉ phát triển năng động mà còn phải đáp ứng những tiêu chí cơ bản của một thành phố văn minh, xanh, sạch đẹp.
Theo tiêu chuẩn năm 2006 của Bộ Xây dựng, đô thị đặc biệt có quy mô từ 1,5 triệu dân trở lên thì bình quân diện tích cây xanh phải đạt 12 đến 15 m2 mỗi người. Tuy nhiên chỉ tiêu này tại TP HCM chỉ khoảng 1,6 m2

. Hiện nay mảng xanh tại TP HCM được phân bố chưa đều. Trong khi quận 1 có 22 công viên, quận 11 có 15 công viên thì các địa phương khác như quận 2, 4, 7, 8, Bình Tân, Nhà Bè...đều có lượng công viên cây xanh rất khiêm tốn. Chính vì vậy, trong lộ trình quy hoạch mảng xanh đô thị giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 vừa được UBND thành phố phê duyệt vào cuối năm 2012, ngoài việc phát triển thêm 250 héc ta cây xanh, thành phố sẽ giữ gìn, cải tạo các khu công viên, cây xanh hiện hữu với diện tích khoảng 200 héc ta hiện nay.
Về phong trào thi đua xây dựng đô thị “Xanh-Sạch-Đẹp” năm 2012, trong năm qua, thành phố đã đặc biệt chú trọng xây dựng hệ thống cây xanh và các công trình xanh nhằm khôi phục hệ sinh thái, phục hồi đa dạng sinh học, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Cụ thể, thành phố đã thực hiện thí điểm bảo vệ cây xanh toàn tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa- Nguyễn Văn Trỗi - Phan Đình Giót (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến Trường Sơn) thuộc địa bàn các quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình; đường Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định (quận 3); trồng nhiều cây xanh, hoa kiểng, giàn dây leo tại các dạ cầu, cầu có lề cho người đi bộ, thành cầu, lan can… Đặc biệt, thành phố còn chi ngân sách để trồng thêm 500.000 cây trâm, gáo, nhạc ngựa nước, gõ nước, sao, dầu, tràm ven các sông rạch ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi...Ngoài ra, trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè cũng sẽ được quy hoạch với diện tích khoảng 7.000 héc ta. Song song đó, thành phố cũng quy định đối với diện tích cây xanh lâu năm và cây xanh hàng năm khi chuyển sang mục đích sử dụng khác phải bảo đảm giữ lại tối thiểu 35-40% đất trồng cây xanh.
Với nỗ lực chung của chính quyền thành phố trong công tác quy hoạch mảng xanh đô thị, nhiều khu đô thị mới đã dành nhiều diện tích hơn cho không gian xanh. Có thể kể đến một số khu vực như: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), Phường Thảo Điền (quận 2)… nhiều con đường rộng đẹp với rìa ao sen chạy dọc suốt lộ trình, thảm xanh ven lộ cắt tỉa gọn gàng, những cụm hoa nở bừng sáng cả đường phố. Những khu dân cư này không chỉ đẹp về kiến trúc, mà những mảng cây cỏ xanh tươi, được chăm chút tỉ mỉ còn đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu cho các cư dân nơi đây. Chị Nguyễn Lâm Thanh Trúc, một người dân sống tại quận 7 bày tỏ:
Phong trào trồng cây xanh còn nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các bạn trẻ. Cụ thể, trong năm 2012, nhiều Quận Đoàn trong thành phố đã phát động phong trào trồng 500 ngàn cây xanh ven sông, kênh, rạch của Ủy ban nhân dân thành phố. Tại Quận Đoàn 12, trong năm qua đã hoàn thành việc trồng hơn 50.000 cây xanh, chủ yếu là các loại cây: tràm, nhạc ngựa, gỗ nước, dừa lá, gáo…vừa góp phần cải tạo môi trường, phòng chống sạt lở, cân bằng hệ sinh thái, tăng diện tích cây xanh, vừa tạo cảnh quan và góp phần vào Chương trình thích ứng biến đổi khí hậu. Năm 2013, Quận Đoàn 12 sẽ tiếp tục kế hoạch phối hợp với địa phương chăm sóc, quản lý các tuyến cây trồng đã thực hiện trong năm 2011 và 2012; tổ chức tuyên truyền và vận động sự tham gia nhiệt tình của đoàn viên thanh niên, người dân địa phương và xã hội nhằm hoàn thành mục tiêu trồng hơn 45.000 cây xanh. Chị Lê Thị Ngọc Thanh- Bí thư Quận Đoàn 12 chia sẻ:

Bên cạnh việc quy hoạch mảng xanh đô thị của các cấp chính quyền, thì việc tạo thêm mảng xanh trong nhà của người dân sẽ làm cho diện tích thảm xanh thành phố ngày càng xanh. Chỉ cần khoảng 40 - 50% căn hộ thuộc Thành phố tham gia là chúng ta đã có một không gian xanh thật đẹp cho thành phố. Hiện nay, tại nhiều gia đình, khu phố, văn phòng, đã xuất hiện các loại hoa, cây cảnh đẹp và phù hợp với không gian phòng ốc, dọc hành lang, theo hàng hiên và trên sân thượng. Các phương pháp trồng cây xanh trong nhà, quanh nhà, trên sân thượng hiện rất đa dạng sẽ góp phần cho việc ra đời những “ngôi nhà xanh”, “phố xanh” đạt hiệu quả cao hơn. Nhận xét về xu hướng kiến trúc xanh hiện nay, anh Nguyễn Văn Thành - kiến trúc sư từng nhận nhiều giải thưởng về công trình xanh của thành phố cho biết:
Khái niệm mảng xanh đô thị được hình thành trong quá trình phát triển đô thị với vai trò tạo cảnh quan và cải thiện môi trường, khi không gian sống ngày càng bị thu hẹp và sức khỏe con người bị đe dọa bởi sự ô nhiễm. Tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, mảng xanh đô thị chủ yếu được hình thành từ các khu vực đường phố có nhiều cây xanh, các công viên, thảo cầm viên...Trước những thách thức lớn của quá trình đô thị hóa với tốc độ cao, phát triển đô thị xanh là giải pháp giúp các thành phố Việt Nam phát triển thịnh vượng, bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường. Không gian xanh, công trình xanh, giao thông xanh, công nghiệp xanh, chất lượng môi trường đô thị xanh cùng việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa sẽ tạo được nếp sống thân thiện của cộng đồng dân cư với môi trường và thiên nhiên. Dù có nhiều nỗ lực, nhiều kế hoạch đã được thông qua nhưng việc thực hiện các đề án về cây xanh, phủ xanh, xây dựng công viên, trồng cây trong khu dân cư mới không dễ như mong muốn.

Thực tế lượng cây xanh hiện hữu của Thành phố chưa đủ đáp ứng nhu cầu cải thiện môi trường sinh thái ở mức qui định cho một thành phố lớn. Do đó, quy hoạch mảng xanh đô thị vẫn còn một con đường rất dài ở phía trước. Chúng tôi tin rằng với sự đồng thuận cao giữa các cấp chính quyền và nhân dân thành phố, trong một tương lai không xa, Tp sẽ xây dựng thành công một thành phố xanh, sạch, đẹp, một đô thị xanh kiểu mẫu, xứng danh với vai trò và vị trí quan trọng của TP.HCM trên cả nước cũng như trong khu vực./.