TPHCM phát huy 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng trong công tác PCCC

(VOH) - Chỉ tính riêng 10 năm thành lập, Cảnh sát PCCC TPHCM đã xuất gần 24.000 xe, tàu chữa cháy với gần 15.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp cứu chữa hơn 2.700 vụ cháy lớn, nhỏ đạt yêu cầu cao, làm giảm thiệt hại về người và tài sản của nhà nước, nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm (thứ 3 từ phải sang) gặp gỡ các đại biểu tại hội thảo “10 năm xây dựng và phát triển lực lượng cảnh sát PC&CC TPHCM. Đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM (bìa phải).

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “10 năm xây dựng và phát triển lực lượng cảnh sát PC&CC TPHCM 10/2006 -10/2016” do Tổng cục Chính trị Công an nhân dân phối hợp Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ và Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TPHCM tổ chức sáng nay 6/9 tại TPHCM. 

Các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất đánh giá Cảnh sát PCCC TPHCM là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước đã thành công, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng được các yêu cầu cấp thiết của công tác PCCC hiện nay.

Từ đây, đã có 20 mô hình cảnh sát PCCC cấp tỉnh, thành phố trong cả nước được thành lập và nhân rộng. Đây là bước phát triển đột phá của lực lượng cảnh sát PCCC nước ta trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận quy hoạch cứu nạn cứu hộ về PCCC chưa đồng bộ, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lực lượng và yêu cầu cấp thiết của công tác chiến đấu, số lượng đội ngũ chữa cháy ở các quận huyện còn ít và phân tán…

Thiếu tướng Trần Triều Dương nguyên Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM phát biểu tham luận về quá trình hình thành và phát triển của lực lượng cảnh sát PCCC TPHCM. 

Từ những khó khăn này, Thiếu tướng PGS.TS Đỗ Ngọc Cẩn đề xuất “Cần kiến nghị Bộ công an và lãnh đạo thành phố trang bị các trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCC, bên cạnh việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các phương tiện hiện có”.

“Trong quá trình phát triển và trưởng thành, lực lượng cảnh sát PCCC ngày càng chính quy tinh nhuệ, hiện đại, tận tụy, dũng cảm, xả thân trong chiến đấu và cứu nạn cứu hộ phục vụ nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm nhận định.

Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp Luật, trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC cơ bản cho người dân, làm sao mọi người đều biết được cách phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn, phát huy công tác 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng, ứng dụng công nghệ thông tin công tác cứu hộ cứu nạn./.

Quang cảnh hội thảo.

Trong 10 năm qua, Cảnh sát PCCC TPHCM cũng đã tổ chức cứu nạn cứu hộ gần 800 vụ, cứu sống được gần 300 người, đưa gần 1.800 người tránh bão an toàn, tổ chức tìm kiếm được 330 thi thể nạn nhân, lặn tìm được 37 mảnh xương người các loại, giao cho các cơ quan chức năng địa phương và gia đình xử lý, phối hợp với công an thành phố lặn tìm tang vật của 18 vụ án di đối tượng phi tang tang vật phục vụ công tác điều tra xử lý tội phạm. 

Đáng chú ý tai nạn sập hầm nước tại Tổng công ty cấp nước Sawaco quận 3, TPHCM vào ngày 23/5/2008, lực lượng đã cứu sống 14 nạn nhân bị rơi xuống hầm sâu. Đồng thời, nỗ lực xuất sắc cứu hộ, cứu nạn vụ chìm tàu Dìn Ký lúc 19 giờ 30 ngày 20/5/2011 tại sông Sài Gòn, xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Trong điều kiện thời tiết bất lợi, gió giật mạnh mưa lớn, hơn 20 giờ lặn tìm với bán kính hơn 1km, trong dòng nước chảy xiết và thủy triều lên, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm được 16 thi thể nạn nhân độ sâu 21m nước. Ngoài ra, cảnh sát PCCC TPHCM phối hợp với lực lượng cứu hộ khác đã cứu sống được 12 nạn nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm dẫn nước có chiều dài 700 mét của công trình thủy điện Đa Dâng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.