TPHCM sẽ có chế độ hỗ trợ cho người báo tin khi phát hiện người ăn xin

(VOH) - Bắt đầu từ ngày 28/12 tới, theo Quyết định 49 về quản lý người ăn xin, người lang thang mà chính quyền TPHCM ban hành hôm 18/12, các cơ quan chức năng sẽ đồng loạt ra quân tập trung đối tượng này vào các cơ sở xã hội hoặc buộc hồi gia.

Đối tượng chính là người xin ăn là những người đi xin dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát để xin tiền, giả danh tu sĩ để đi khất thực, hoặc những hành vi đi xin nhưng có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số, bán bánh kẹo hay những hành vi tương tự.

Người ăn xin tại TP.HCM. Ảnh: Zing

Trung tâm Hỗ trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH sẽ làm đầu mối tiếp nhận và xử lý những người bị tập trung. Cụ thể, với đối tượng bị tập trung lần thứ nhất, sẽ tổ chức xác minh nơi cư trú, nếu có thì đưa về địa phương hoặc hồi gia; Đối với đối tượng nếu không có nơi cư trú hoặc hết thời hạn xác minh mà chưa tìm ra nơi cư trú thì đưa vào nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Ông Võ Thanh Quang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố cho biết: "Khi các quận, huyện giao tiếp nhận thì ở đây có nhiệm vụ nuôi dưỡng, quản lý, chăm sóc y tế, sau đó phân loại đối tượng để giải quyết chính sách. Với đối tượng bị tập trung lần thứ nhất, sẽ tổ chức xác minh nơi cư trú, nếu có thì đưa về địa phương, hoặc báo cho gia đình đến bảo lãnh về. Nếu không có nơi cư trú thì đưa vào nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Riêng với đối tượng bị tập trung nhiều lần thì đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội tiếp nhận nuôi dưỡng".

Theo ghi nhận của chúng tôi, chủ trương này đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo người dân rất thành phố. Chị Trần Thị Lan Phương – buôn bán trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3 hồ hởi nói: "Khi thành phố ra quyết định này sẽ làm cho thành phố giảm đi mặt tiêu cực như việc chăn dắt người ăn xin. Nhiều lần gặp người ăn xin cứ níu kéo người nước ngoài mình cảm thấy bức xúc và xấu hổ về những hành động như thế. Có rất nhiều hành động như người ta quỳ xuống xin, khóc lóc nếu mình không cho thì mình cũng cảm thấy rất áy náy".

Còn với chị Nguyễn Thị Lợi – quê Bình Định thì lo lắng, chị nói: ở quê làm đủ nghề, đi hái cà phê, phát mía, làm ruộng nhưng vẫn không đủ ăn. Giờ lặn lội vào TPHCM bán đậu phộng và vài thứ khác, mỗi ngày cũng kiếm được hơn 80.000 đồng để mưu sinh và nuôi con ăn học. Thế nhưng, sau ngày 28/12 tới, chị Lợi có thể mất chốn mưu sinh vì nằm trong đối tượng tập trung theo Quyết định 49. Những ngày qua chị lo đến mất ăn mất ngủ: "Tôi cũng đi bán hàng ngày, hoàn cảnh khó khăn, con ăn học mà không có tiền, buồn nhưng không biết làm sao. Nếu giờ thành phố có quyết định gom lại hết thì tôi cũng đành phải đồng lòng".

Về vấn đề này, theo ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM thì, chủ trương chung của thành phố là không để người ăn xin, người lang thang làm mất sự văn minh của thành phố. Tuy nhiên, để nuôi dưỡng người ăn xin, người lang thang tại 15 trung tâm bảo trợ xã hội thì việc sử dụng ngân sách không phải là giải pháp lâu dài. Cái gốc của vấn đề vẫn là làm sao để gia đình họ có điều kiện sinh sống ổn định tại địa phương. Nếu giải quyết được như vậy thì người xin ăn, người sống lang thang sẽ giảm bớt…"Gần đây, có một số hiện tượng xin ăn biến tướng như giả dạng bán tăm bông, tạo ra những tình cảnh giống như bệnh hoạn để xin ăn, lợi dụng lòng tốt của người dân trên địa bàn thành phố. Chúng tôi dự báo là từ nay đến Tết thì khả năng người ăn xin sẽ tăng. Do đó, thành phố có chỉ đạo cho các Sở ngành, quận, huyện tăng cường biện pháp giải quyết người lang thang, xin ăn" - ông Giang nói thêm.

Ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch UBND TP khẳng định, thành phố sẽ thực hiện quyết liệt vấn đề này: "Đối với các đối tượng ăn xin trên địa bàn thì hiện nay chúng tôi đang làm, đã làm và sẽ tiếp tục làm mạnh hơn là chuyển các đối tượng ăn xin vào cơ sở xã hội. Tất cả Phòng Thương binh của 24 quận, huyện đã công bố đường dây nóng để gom các đối tượng ăn xin đưa vào cơ sở xã hội".

Ngoài chủ trương đưa người lang thang, xin ăn vào các cơ sở bảo trợ xã hội, thành phố cũng vận động người dân không cho tiền người ăn xin để tránh lòng tốt bị lợi dụng, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng chăn dắt người già, người tàn tật và trẻ nhỏ đi ăn xin. Ông Võ Thanh Quang - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xã hội Thành phố khuyến cáo: "Người dân cần ý thức và hỗ trợ, nếu thấy người ăn xin thì báo với chính quyền địa phương để đưa vào nuôi dưỡng, quản lý. Đừng nên cho tiền họ".

Củng cố quyết tâm "Thành phố sẽ vắng bóng người ăn xin trong năm 2015", UBND TP đã chỉ đạo 24 quận, huyện thành lập đường dây nóng. Song song đó, khi phát hiện người ăn xin người dân cũng có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, số điện thoại: 38.292491 hoặc 0903.959929 hoặc Trung tâm Hỗ trợ Xã hội, số điện thoại: 35.533258 (24/24 giờ). Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ có chế độ hỗ trợ dành cho người báo tin.