TPHCM: Vẫn tồn tại người ăn xin trá hình

(VOH) - Những kiểu ăn xin trá hình, người ăn xin thật sự rất khỏe mạnh, không có tàn tật gì nhưng lại nằm trên xe đẩy, kéo lê trên đường phố, hoặc băng bó giả làm chân tay bị tật phải bò, trườn dưới lề đường, rồi hình ảnh những cụ già, em bé với gương mặt khắc khổ chìa xấp vé số ra mời mọc không còn xa lạ với người dân thành phố. Nhìn cảnh tượng đó chắc chắn ai cũng phải động lòng. Nhiều người không đành, phải móc bóp ra cho tiền, hay mua ủng hộ tờ vé số làm phúc... Thế là!

Đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết nguyên đán năm nay, thành phố thực hiện việc đưa người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định vào các trung tâm hỗ trợ xã hội. Tuy nhiên, sau hơn nửa tháng thực hiện, tình trạng ăn xin trá hình bắt đầu quay trở lại, hoạt động ngày càng tinh vi, kín đáo hơn để đối phó với các cơ quan chức năng.            

Bà L. (quê Thanh Hóa) xin tiền tại giao lộ Trường Chinh - Tây Thạnh (Q.Tân Phú). Ảnh: TTO

Tại công viên Tao Đàn (Q.1), có một người bán vé số đã lớn tuổi. Khi phóng viên tiếp cận, hỏi chuyện, bà Nguyễn Thị Bé, quê Thừa Thiên Huế đã liến thoắng kể khổ: "Cô khó khăn lắm. Ở quê tha phương vô đây bán vé số kiếm cơm ăn. Vô đây thuê nhà tháng 6, 7 trăm ngàn, tiền đâu mà đóng tiền nhà, ở bờ ở bụi người ta bắt thì sao, khổ lắm. Khó khăn lắm, ngoài quê bão lụt, lạnh lẽo. Giờ vô đây sống một thân một mình chứ không biết nhờ vả ai hết. Ai thương thì cho 5, 10 ngàn uống nước tchứ không xin ai hết".

Ở địa điểm khác gần bến xe Miền Đông, chúng tôi phải quan sát rất kỹ để chắc rằng không có ai đang giám sát một cậu bé vừa bán tăm bông vừa xin ăn. Chúng tôi hỏi rất nhiều nhưng cậu bé vừa nhìn chằm chằm sang phía bên kia đường vừa trả lời như là đọc thuộc lòng: "Nhật Minh. Quê ở Nghệ An. Em ở với 5 người bạn. Bố mẹ em làm nghề ruộng. Em bỏ học lâu rồi, em học xong lớp 5 là em bỏ".

Cũng tại đây, trên nhiều tuyến xe buýt từ bến xe Miền Đông, từ vòng xoay Hàng Xanh ra Thủ Đức, thường xuyên xuất hiện một cụ già bị mù, được một "người quen" dẫn lên các tuyến xe buýt để đi ăn xin. "Người quen" này lúc nào cũng kè kè theo cụ nên ai cho tiền hoặc lân la làm quen cũng chỉ biết được cụ tên là Lê Thị Toan và luôn miệng kêu khổ: "Tôi không có thấy đường. Tôi ở quận 10, tôi ở trọ, ở chung với người ta, người ta mướn rồi mình vô mình ở. Quá khổ cô ơi".

Với những cảnh tượng đó, nhiều người tỏ ra thương xót nhưng cũng không ít người bức xúc. Vì thật thì ít mà giả danh thì nhiều. Trần Thị Hiền, sinh viên Trường đại học Công nghiệp TPHCM kể: "Em bắt xe buýt đi thì có một người cầm cái phim X-Quang nói là quê ở Vũng Tàu lên chữa bệnh mà không có tiền đi xe buýt về. Lúc đó thấy tội nên em cũng cho tiền. Nhưng mấy hôm sau trên một tuyến xe buýt khác, em cũng gặp lại người đó đến xin và nói bị nhiễm HIV, nhưng trên tay là phim chụp phổi, em biết mình bị lừa nên không cho nữa".

Bà Trần Thị Tuyết, một người dân ở quận 3 cũng gặp phải tình trạng tương tự: "Không những tôi cho tiền mà còn về lấy quần áo, mền cho nữa vì sợ mùa đông họ lạnh. Nhưng sau một thời gian, vô tình tôi đi về khuya, tôi thấy có anh thanh niên chạy chiếc xe Airblade tới, chở người ăn xin đi, tỉnh bơ như không có gì".

Ngoài ra những trường hợp giả bán vé số bị ế hoặc bị mất cũng không phải ít, bà Trần Nguyễn Uyên Ly, ở quận 1 cho rằng: "Bán vé số mà giả vờ làm mất hết để người ta thương xót cho nhiều tiền. Nhưng tình cờ ngày mai hay hai ba hôm cũng lại gặp chính người đó, làm những hành động như vậy thì mới biết người ta giả mạo. Ban đầu không biết thì mình cho nhưng biết rồi thì mình nói cho mọi người biết".

Ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho hay: "Chúng ta phải nhắc nhở các đối tượng này, đây là một dạng giả dạng đương nhiên chúng ta có nhiều hình thức như trao đổi, yêu cầu đối tượng không thực hiện việc này".

Sau một thời gian thành phố triển khai đưa người ăn xin vào các  trung tâm hỗ trợ xã hội mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng chưa đầy một tháng lại xuất hiện tình trạng ăn xin biến tướng. Giả tàn tật, giả đau đớn, giả làm nhà sư đi khất thực... Hành vi che đậy để kêu gọi lòng từ tâm của người khác nhằm trục lợi, nếu xét kỹ tác động tiêu cực đến xã hội không hề nhỏ, không chỉ dăm ba chục ngàn mà quan trọng nhất là làm tổn thương đến lòng nhân ái cao đẹp của người Việt Nam, làm thuyên giảm niềm tin giữa người với người.