Trẻ bị lõm ngực cần được phẫu thuật độ tuổi từ 8 đến 12

(VOH) - Chiều 28/7, Bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tình trạng trẻ bị bệnh lý lõm ngực bẩm sinh gia tăng rất nhiều.

Trẻ bị lõm ngực sau phẫu thuật

Nếu trong năm 2015, số ca phẫu thuật lõm ngực tại bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ có 50 ca thì trong năm nay, mới 7 tháng mà bệnh viện  đã phẫu thuật trên 80 ca.

Theo các bác sĩ ngoại khoa, lõm ngực bẩm sinh là một loại bệnh gây biến dạng lồng ngực bẩm sinh. Lồng ngực bị lõm vào trong ở phía trước. Xương ức bị ảnh hưởng nhiều nhất, không còn ở vị trí bình thường mà một phần thường là phía dưới mũi ức bị lõm vào trong do tăng sản quá mức các sụn sườn trong quá trình phát triển của trẻ, đẩy xương ức lõm vào trong lồng ngực.

Cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân nhưng một số nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân có yếu tố di truyền, chiếm khoảng 30%. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh lõm ngực bẩm sinh không chỉ gây biến dạng về mặt thẩm mỹ mà còn gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe, đặc biệt là tim, phổi và sự phát triển, đặc biệt là tâm lý.

Trẻ bị lõm ngực thường mất tự tin, mặc cảm và nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến sang chấn tâm lý, trầm cảm ở trẻ.

Do vậy, khi phát hiện trẻ bị lõm ngực, dù chưa đến tuổi phẫu thuật nhưng bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cũng nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn cách chăm sóc cho trẻ tốt nhất.

Nếu trẻ bị bệnh lý này, thông thường độ tuổi lý tưởng nhất để thực hiện phẫu thuậu là từ 8 đến 12 tuổi.