Treo cờ rủ đúng quy định trong Lễ Quốc tang

(VOH) - Treo cờ rủ trong Lễ Quốc tang có quy định riêng, tuy nhiên không ít cơ quan vẫn còn “lấn cấn” không biết nên treo cờ như thế nào?

Lễ Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang được cử hành trọng thể từ 7h sáng nay 26/9 và diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/9/2018. Theo quy định, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí trong 2 ngày này.

Trong thời gian này, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang.

Cách treo cụ thể như sau:

  • Cờ có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ.
  • Chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc, không để cờ bay

Quốc tang, cờ rủ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Băng đen cột cờ rủ, không để cờ bay (Ảnh: Vnexpress)

  • Nơi treo cờ là phải nơi trang trọng, đảm bảo thẩm mỹ và mỹ quan. Cột cờ phải là độc lập, không treo cờ lên các cột đang dùng cho mục đích khác như cột điện, cột ăng-ten...
  • Ngoài ra, cờ không được bạc màu, hoen ố, cờ cũ phải huỷ đúng cách chứ không được vứt bỏ hoặc dùng vào mục đích khác.
  • Cờ cắm trong nhà, cán cờ dài ngắn tuỳ theo không gian của phòng, tuy nhiên không để cờ chạm đất.

Lệ treo cờ rủ ở Việt Nam có thay đổi theo thời gian. Trước năm 2012 có phần khác cách treo cờ rủ quốc tế, khi đó quy định cờ rủ khi có quốc tang vẫn treo trên đỉnh cột nhưng buộc thêm một dải băng màu đen trên cùng. Ngoài ra dải vải đen còn được dùng buộc cờ vào cột khiến cờ không bay được.

Từ năm 2013 quy định cách treo cờ được thay đổi và áp dụng đến hiện nay.

Tục lệ treo cờ rủ bắt đầu vào thế kỷ 17 với khoảng trống trên đỉnh cột tượng trưng lá cờ tang hay cờ của tử thần "vô hình" treo phía trên. Lệ đó cho rằng tử thần có toàn quyền, không chừa ai nên chiếm địa vị trên hết. Lệ này còn áp dụng ở Anh khi cờ rủ được treo chừa cho chiều cao của một lá cờ phía trên, bất kể chiều dài của cột cờ.

Tuy nhiên ở nhiều quốc gia khác thì vị trí cờ rủ tùy thuộc vào cột hoặc cán cờ dài hay ngắn và cờ được thượng lên ở vị trí lửng, giữa đỉnh và gốc cột.

Lệ dùng dải vải đen đính trên đỉnh cột cờ được dùng ở Nhật Bản từ năm 1912 khi Nhật hoàng băng hà.

Khi thượng cờ rủ thì cờ được kéo lên tận đỉnh trước rồi mới hạ xuống ở vị trí thấp. Khi hạ cờ thì lại kéo lên tận đỉnh rồi mới hạ xuống hẳn.