Tuần làm việc thứ 4 của Quốc hội: Thông qua một số Nghị quyết quan trọng

(VOH) - Trong tuần làm việc thứ tư, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận về các dự án luật và biểu quyết thông qua một số Nghị quyết quan trọng.

Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, trong tuần, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Dự án luật này được xây dựng nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và đảm bảo tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án đối tác công tư dài hạn, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Tổng hợp tuần làm việc thứ 4 của Quốc hội: Thông qua một số Nghị quyết quan trọng

Quốc hội đã thông qua một số Nghị quyết quan trọng trong tuần làm việc thứ 4. Ảnh: Quốc hội

Trình bày tờ trình về dự án luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết: "Xây dựng luật với giá trị pháp lý cao điều chỉnh hoạt động đầu tư PPP. Bảo đảm quy định của Luật phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy lợi ích cho người dân, nhà nước và nhà đầu tư là trọng tâm. Tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản. Thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước".

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, các đại biểu cho rằng sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại biểu Nguyễn Tạo - đoàn Lâm Đồng, nêu ý kiến: "Tôi thống nhất cao với tên gọi luật như dự thảo. Bởi lẽ với tên gọi Luật Lực lượng dự bị động viên đã là tên gọi hết sức quen thuộc. Từ Pháp lệnh dự bị động viên thực hiện hơn 20 năm qua, tên gọi này đã rất gần gũi quen thuộc. Cụm từ này đã được sử dụng thông dụng trong hệ thống của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Để đồng bộ với các văn bản quy phạm liên quan đến an ninh quốc phòng, tôi đề nghị bổ sung khoản 1, điều 3, của dự luật như sau: Xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng".

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu đề nghị xem xét kỹ quy định mức tối thiểu, tỷ lệ ít nhất 35% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Các đại biểu cho rằng, cần tăng lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm tỷ lệ đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, bởi làm luật mà không có đại biểu chuyên trách, không có cán bộ chuyên môn có trình độ thì không thể làm nổi. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - đoàn Bà Rịa Vũng Tàu bày tỏ: "Việc tăng thêm đại biểu Quốc hội chuyên trách tạo thuận lợi hơn cho việc sắp xếp bộ máy của Quốc hội. Quốc hội khóa 14 hiện nay có 167 đại biểu hoạt động chuyên trách, trên tổng số 483 đại biểu, mới đạt 34,5% đại biểu. Đề nghị tăng số đại biểu chuyên trách lên 40%...".

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu cho rằng quy định Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực với người nước ngoài khi đáp ứng đủ 3 điều kiện là còn quá lỏng lẻo và thiếu các bằng chứng thuyết phục. Các đại biểu nhấn mạnh, quy định này sẽ làm tăng nguy cơ về quốc phòng an ninh, nhất là khi miễn thị thực không phải là giải pháp tối ưu để thu hút khách du lịch, mà thu hút khách du lịch phải bằng sản phẩm du lịch, bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa và tạo môi trường tốt, an toàn. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn thành phố Hồ Chí Minh phân tích: "Đối với những người vào khu kinh tế ven biển, ví dụ là nhà đầu tư, người lao động, những người vào làm ăn mà chúng ta xác minh được họ có mục đích như vậy thì sau khi xác minh chúng ta có thể miễn còn tất cả những người khác thì cứ theo quy định bình thường. Vì hiện nay, chúng ta đã miễn thị thực theo các hiệp định thương mại tự do, chúng ta đã miễn thị thực đơn phương, có thể xin thị thực bằng con đường điện tử và có thể xin thị thực ngay tại sân bay khi đến. Với tất cả những điều kiện ấy thì không có việc gì mà miễn một cách vô điều kiện đối với bất kỳ người nào vào khu kinh tế ven biển. Tôi thấy quy định như thế là hết sức lỏng lẻo".

Một nội dung không kém phần quan trọng tại tuần làm việc này, đó là việc cho ý kiến Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Dự án này có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 4,8 tỷ đô la Mỹ, tương đương gần 112.000 tỷ đồng. Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn khi giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư chưa chắc đã phải là phương án huy động vốn tốt nhất. Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn Hà Nội thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta có e ngại rằng nếu tiếp tục thực hiện cơ chế đó thì liệu lịch sử có lặp lại? Vì ACV cũng chỉ đảm bảo 1/3 số vốn, còn 2/3 số vốn cũng đi vận động huy động các tổ chức tài chính quốc tế. Mặc dù nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh những thủ tục tiến hành huy động vốn doanh nghiệp nhà nước sẽ phức tạp hơn nhiều. Phải tuân thủ quy định. Hơn nữa nếu xảy ra rủi ro, nhà nước vẫn phải gánh chịu vì đây là doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, nhiều tập đoàn tư nhân có tiềm lực tiền vốn lớn, khả năng huy động vốn rất linh hoạt, năng động luôn luôn sẵn sàng tham gia đầu tư”.

Quốc hội cũng đã thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018. Nội dung này cũng được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước cùng theo dõi.

Theo báo cáo, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, trung bình mỗi năm xảy ra gần 3.300 vụ cháy, khiến 87 người chết, 200 người bị thương, thiệt hại 1.600 tỷ đồng. Cả nước hiện còn 2.600 công trình nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thẳng thắn nhận trách nhiệm cho những thiếu sót, hạn chế trong công tác phòng cháy chữa cháy ở các công trình xây dựng, đồng thời nêu rõ trong thời gian tới sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng các yêu cầu trong công tác phòng cháy chữa cháy: “Chúng tôi định hướng là sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm quy định phòng cháy chữa cháy cho các vật liệu mới. Bổ sung thêm các quy chuẩn về nhà cao tầng hay là quy định về các chức năng công trình hỗn hợp”.

Với tỷ lệ 90,48% phiếu tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương là gần 852.000 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.000 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là hơn 1 triệu tỷ đồng.

Vào tuần sau, thứ hai, ngày 18/11, Quốc hội tiếp tục làm việc, buổi sáng thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề ánn tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Sau đó, Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.