Tuần làm việc thứ 4: Quốc hội thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng

(VOH) - Từ ngày 9 đến 14/11, kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII tiến hành biểu quyết thông qua một loạt các Nghị quyết quan trọng.

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả phát triển KT-XH năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016. Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP.

Nội dung nổi bật trong nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016 là việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế và từ ngày 1-5-2016, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.

Trong tuần, Quốc hội còn dành một ngày (được phát thanh, truyền hình trực tiếp) thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014, nhiều đại biểu cho rằng công tác quản lý đất đai tại các nông lâm trường chưa đạt hiệu quả cao.

Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng trả lời một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu. Cả hai bộ trưởng đều nhận trách nhiệm, khuyết điểm và cho rằng các Bộ chậm ban hành quyết định, chưa tổ chức thanh tra sâu sát tại các nông, lâm trường, chưa quan tâm xử lý sau thanh tra gây bức xúc trong xã hội, vẫn còn buông lỏng quản lý.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận những yếu kém trong quy hoạch, sử dụng đất, đặc biệt là tại các nông trường Tây Nguyên:

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả giám sát và giải pháp sâu sắc của các đại biểu Quốc hội:

Nhiều đại biểu góp ý dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam là cần thiết, phải có sự độc lập của tổ chức cơ quan tạm giữ, tạm giam với cơ quan hình sự cùng cấp và phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân của người bị tạm giữ, tạm giam. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - đoàn TP.HCM cho biết:

Thảo luận về Dự thảo Luật Phí và lệ phí, các đại biểu đề nghị quy định ngay trong Dự luật danh mục chi tiết phí, lệ phí, bảo đảm rõ ràng, minh bạch nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp nhưng không làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng quy định chi tiết phí, lệ phí đảm bảo sự tham gia giám sát trong thực hiện, nhất là không được để phí chồng phí. Các đại biểu tán thành loại bỏ viện phí và học phí ra khỏi danh mục phí và lệ phí. Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị:

Ngoài ra, Quốc hội cho ý kiến các dự thảo luật như: Luật đấu giá tài sản; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật trưng cầu ý dân; Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật tín ngưỡng, tôn giáo và kết quả việc triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36 của Quốc hội,…

Ngày 16/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong 2 ngày rưỡi từ 16-18/11 với cách thức mới : không chốt danh sách các thành viên Chính phủ, cũng không theo nhóm vấn đề. Cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 75 phút để làm rõ thêm một số nội dung liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn.

Phiên làm việc của Quốc hội sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.