Tuổi thơ và những góc tối hè phố - Phần 1: Chênh vênh những bước chân gầy

(VOH) - Không nhà cửa, không giấy tờ, không học hành… đó là mẫu số chung của những đứa trẻ sống bám vào đường phố. Nhưng đường phố không phải là nơi ai muốn kiếm sống chỉ cần đổ sức lao động để đổi lấy bát cơm.

Đường phố còn là nơi tồn tại những điều luật bất thành văn siết chặt cuộc đời những đứa trẻ bụi đời trong nỗi đau: bị ức hiếp và đè nén, bị sa vào vòng lao lý và thậm chí bị lây nhiễm căn bệnh thế kỉ khi vừa bước vào tuổi mới lớn… Đói khát và sợ hãi, những đứa trẻ này không có khái niệm sống mà chỉ biết đến những ngày mình tồn tại. Nhà văn Võ Phi Hùng-đã từng có tuổi thơ nơi hè phố, viết: “Cuộc sống đường phố là thế, luôn đẩy con người đến bờ vực thẳm mà bước chân tuổi mới lớn luôn chênh vênh giữa thiện và ác, giữa bao hi vọng và tuyệt vọng. Đó là cuộc chiến đấu bền bỉ mà chỉ sảy chân một lần đã có thể tuột dốc mãi mãi..”.

Trong một tối cuối tháng 5, lang thang trong Công viên Phú Lâm (Q.6), chúng tôi bị cuốn hút bởi một đám đông thiếu niên thi nhau nhảy hip – hop giữa tiếng reo hò phấn khích vang dậy cả một góc sân. Đây là những phút giải trí hiếm hoi của đám nhóc hè phố sau một ngày lăn lộn trên đường mưu sinh bằng đủ thứ nghề: từ lượm ve chai, bán vé số, đánh giày, thậm chí là trộm cắp, móc túi, làm gái… Chỉ khi đó, chúng tôi mới thấy hiện lên nụ  cười hồn nhiên trên gương mặt sạm đen, già trước tuổi của những trẻ em phải vào đời sớm, phải vất vả mưu sinh từ khi còn thơ bé này. Chúng tôi lân la làm quen với một cô bé tên Kha. Kha hốc hác, xanh rớt, mắt thâm quầng của người lấy đêm làm ngày. Kha vốn có gia đình đàng hoàng nhưng khi em mới 4 tuổi thì mẹ mất, cha đi bước nữa. Không chịu nổi cách đối xử của mẹ kế, Kha bỏ nhà đi bụi từ năm 13 tuổi. Gần một tuần sau khi gia nhập đội quân lang thang đường phố, Kha chính thức bước vào con đường bán dâm chuyên nghiệp tại công viên Văn Lang (Q.5). “Đã Nghèo còn mắc cái eo”, nghề mại dâm phải đóng tiền bảo kê, tiền “cò” nặng nhất: tiền đi khách mỗi lượt phải “cưa” đôi với cò. Em ở lại nhà “má mì” còn bị tính tiền ăn, tiền ở, tiền trang điểm... với giá cao đến nỗi chỉ nghỉ làm một ngày là thiếu nợ lãi mẹ đẻ lãi con:

  Hỏi chuyện bảo kê địa bàn, chúng tôi đều nhận thấy sự căm tức hằn lên ánh mắt và giọng nói của trẻ đường phố. Phương, chạy giấy dò vé số ở Bến xe Chợ Lớn ( Q.6), mình mẩy xăm trổ đủ rồng, cọp, đầu lâu… ta thán: “Từ sáng cho đến tối mịt vắt kiệt sức để nhận được chút tiền công ít ỏi nhưng chẳng được yên thân với đám bảo kê”. Đó là đám thanh niên ngày càng nghiện nặng, vật vã không đi làm nổi chuyên dụ dỗ, dọa nạt những đứa trẻ mới ra đường để được tụi nhỏ nuôi và có tiền chích choác. Đi bụi từ năm lên 9 tuổi do cha mẹ quá nghèo không nuôi nổi, đã kinh qua đủ nghề lượm ve chai, bán vé số, chạy giấy dò để kiếm từng đồng bạc lẻ, Phương đúc kết: “Quăng thân vào chốn giang hồ, sống một mình chịu không nổi cạnh tranh giành khách, xô xát như cơm bữa thì phải chấp nhận dưới trướng bảo kê. Muốn làm ở đây thì phải chịu ăn chia. Tiền công tụi bảo kê thu, cuối buổi chia 50 - 50”. Chút tiền công còm cõi phải chia năm xẻ bảy với tụi bảo kê, đói khát, kiệt sức luôn quây lấy những đứa trẻ đường phố. Muốn không chết đói thì các em buộc phải làm bất cứ việc gì, từ trộm cắp, móc túi hay thậm chí là cướp giật, bán hàng trắng và giết người là điểm dừng cuối cùng của bất kỳ đứa trẻ nào phải lăn ra đường kiếm sống:

  Vào chập choạng tối ở Ga Sài Gòn, chúng tôi bắt chuyện với Phú khi em tranh thủ nghỉ chân trước ca đấm bóp đêm. Phú có gương mặt sáng, nhưng những trải nghiệm gian khó của cuộc sống khiến cho nét mặt em phảng phất nét giang hồ, và đôi mắt thì luôn đượm buồn. Em kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu đi bụi đẫm tủi buồn. Ra đường, đứa bụi đời nào cũng có thể bắt nạt nắm tóc, tạt tai hoặc ác hơn là trấn sạch tiền. Ngày nào em cũng bị đánh, nhẹ thì ăn vài cái tát, nặng hơn thì đạp ngã dúi xuống đất. Nhưng đúng hay sai cũng đừng cãi lại, đám nhóc hè phố hứng lên thì vơ gì xỉa nấy, chỉ tổ thiệt thân. Còn “bấn” quá cũng đừng dại dột chạy sang kiếm ăn ở mấy con đường đông khách mà các “đại ca” đã dùng nắm đấm mua đứt:

Chúng tôi không ít lần lặng người, xót xa cho những mảnh đời non nớt nhưng sớm phải mang trên vai gánh nặng mưu sinh, những đứa trẻ ở độ tuổi đến trường đang tất bật với lo toan cơm áo gạo tiền.Và chúng tôi cảm nhận rằng với những đứa trẻ không nhà, những lần phải thức trắng đêm, ngồi bó gối chờ trời sáng vì tìm đâu ra chỗ ngủ dù sao cũng may mắn hơn so với nỗi sợ bị thanh toán, bị hãm hiếp... Những nỗi khiếp sợ, đau đớn trong lòng chúng bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng trào sôi một cách mạnh mẽ không lối thoát, các em tìm cách lãng quên, thay thế những sự thật phũ phàng mà các em đang gặp phải bằng việc gia nhập băng nhóm, chơi gái, ma túy … Từ chỗ lang thang đến chỗ thành tội phạm, thành đối tượng tệ nạn chỉ cách một bước chân. Đỗ Phong, bốc vác ở Chợ Lớn thẳng thắn bày tỏ em tìm đến ma túy do bạn bè rủ rê, để tìm quên khi gia đình vỡ nợ:

  Rồi Phong kể thêm do tiết kiệm nên không ít bạn rủ nhau chơi tập thể cho đỡ tốn. Cũng có bạn vì quá bấn mà đi gom từng tí ma tuý còn sót lại ở những bơm kim tiêm đã bị vứt đi để sử dụng… và đây chính là nguy cơ lan truyền HIV/AIDS rất cao. Phong từng biết nhiều anh chị dắt mình vào đời bị nhiễm HIV vạ vật ở gầm cầu, xó chợ cho đến chết, hay bị viêm nhiễm vùng kín nhưng không điều trị, đến khi chở đi cấp cứu mới hay đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Rất sợ nhiễm HIV/AIDS nhưng khi chúng tôi hỏi Phong về cách thức phòng bệnh, em hoàn toàn mù tịt. Đáng lo ngại thay! Những đứa trẻ đường phố không hề có kiến thức về đại dịch thế kỷ HIV, không tự phát hiện, không biết tìm nơi điều trị lại chiếm đa số. Tất cả những đặc điểm này hợp thành một ổ dịch AIDS di động đang tồn tại giữa cộng đồng.  

 Ban ngày lang thang kiếm ăn khắp phố, đêm đến chui rúc bất cứ xó xỉnh nào có thể ngủ được. Bị làm mồi cho tội phạm, tệ nạn xã hội nuốt chửng. Tình trạng này cứ kéo dài triền miên nên không ít người trong xã hội nghĩ rằng trẻ đường phố đã mất đi bản tính con người. Nhưng sự thực là khi được tin tưởng, các em sẽ cởi mở cho chúng ta nghe về giấc mơ được cắp sách đến trường, được ba mẹ dắt tay đi dạo phố, được bàn tay ai sờ trán khi cảm sốt… Chúng tôi cho rằng trẻ đường phố do hoàn cảnh đưa đẩy đến chỗ phải học những thói lưu manh để tồn tại, nhưng thói hư tật không phải là bản chất trong con người các em. Do vậy, xã hội cần dang rộng vòng tay yêu thương với các em, cần tạo điều kiện cho các em học tập và lao động chứ không thể bàng quan bỏ mặc cuộc đời các em chìm đắm mãi trong tăm tối.    

Hồng Thúy-Thùy Trang