Tuổi trẻ TPHCM chung tay vì một cộng đồng ASEAN phát triển

(VOH) - Ngày 8/8/1967, khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN được thành lập. Từ 5 nước thành viên ban đầu, đến nay đã có 10 quốc gia thành viên, vượt qua khó khăn, thử thách, ASEAN đã trưởng thành, lớn mạnh, không chỉ phát triển về quy mô mà ngày càng phát huy vai trò đẩy mạnh hợp tác, liên kết khu vực và quốc tế, tăng cường đoàn kết, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia trong khối.

Chuẩn bị hành trang cho hội nhập

Ngày 31/12/2015 là ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với khu vực cũng như từng quốc gia thành viên khi cộng đồng ASEAN chính thức thành lập, là cột mốc quan trọng, khởi đầu cho một thời kỳ phát triển cao hơn của ASEAN, hiện thực hóa mục tiêu trở thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội đối với mỗi quốc gia nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Ông Lâm Đình Thắng – Phó Bí thư Thành Đoàn TPHCM cho biết: Thành Đoàn ý thức rất rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong vấn đề đồng hành với các bạn thanh niên trong quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như các hiệp định thương mại tự do khác. Nhiều nhóm giải pháp được đưa ra nhằm hỗ trợ các bạn đoàn viên, thanh niên từ việc tăng cường thông tin các hiệp định thương mại tự do, thông tin của cộng đồng kinh tế ASEAN đến tuổi trẻ thành phố, làm sao để các bạn ý thức rõ trách nhiệm của mình khi thành phố và đất nước tham gia vào quá trình hội nhập. Song song đó, tăng cường trang bị kỹ năng thực hành xã hội và kỹ năng nghề nghiệp cho các bạn đoàn viên, thanh niên.

Về vấn đề nâng cao trình độ chuyên môn ngoại ngữ, ông Lâm Đình Thắng, cho hay: “Chúng tôi  xây dựng 1 đề án nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các bạn thanh niên, đặc biệt là sinh viên của thành phố tại các trường đại học, cao đẳng và học viện. Chúng tôi đề nghị các cơ sở Đoàn, cơ sở xã hội tổ chức nhiều sân chơi học thuật về mặt ngoại ngữ, hình thành nhiều các câu lạc bộ đội, nhóm để có thể sinh hoạt tiếng Anh thường xuyên hoặc là có những môi trường rèn luyện tiếng Anh thường xuyên cho các bạn Đoàn viên, thanh niên tại đơn vị của mình. Ngoài ra, hội Sinh viên Thành phố cũng có liên kết với các đơn vị doanh nghiệp tổ chức đánh giá, kiểm tra trình độ tiếng Anh của các bạn cán bộ Hội, sinh viên của mình. Với những nhóm giải pháp đó chúng tôi cho rằng sẽ góp phần thiết thực vào quá trình hội nhập của các bạn thanh niên của thành phố”.

Các đoàn đại biểu trong buổi lễ Khai mạc diễn đàn Thanh niên Đông Nam Á - Ảnh: Yu.ctu.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ thanh niên, lần đầu tiên Thành Đoàn đăng cai tổ chức diễn đàn thanh niên ASEAN 2015 với sự tham gia của hơn 36 đại biểu đến từ 7 quốc gia thành viên ASEAN gồm: Brunei, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Hoạt động này đã mở ra cơ hội cho thanh niên Việt Nam và thanh niên các nước trình bày những suy nghĩ, ý tưởng, đề xuất những kiến nghị, giải pháp trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển, đồng thời, thể hiện vai trò tích cực, chủ động, có trách nhiệm của người trẻ đóng góp vào các vấn đề chung của ASEAN.

Doanh nhân trẻ tiêu biểu của Việt Nam, anh Lâm Ngọc Minh – Tổng giám đốc công ty nệm Liên Á - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP bày tỏ: “Khi Việt Nam gia nhập vào cộng đồng ASEAN, các doanh nhân sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển sản phẩm của mình ở thị trường lớn hơn - một thị trường 600 triệu dân, không còn là 90 triệu dân nữa. Ngoài ra, cơ hội của các doanh nhân đó là sự cọ sát, luân chuyển người lao động từ các quốc gia khác qua Việt Nam làm việc và ngược lại, sự luân chuyển này sẽ tạo cơ hội cho nhân viên các công ty cọ sát và nâng cao năng lực nhân viên trong nội bộ công ty. Bên cạnh đó, nhiều thách thức phát sinh vì khi thị trường mở rộng, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều đối thủ hơn, lao động nước ngoài vào và chúng ta bị rủi ro là chảy máu chất xám. Để có thể giải quyết những thách thức này, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng những chính sách làm sao để giữ được nhân tài và đào tạo nhân tài từ nội bộ, xây dựng được thương hiệu dành cho người tiêu dùng”.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Khi gia nhập ASEAN, nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi quốc gia thành viên là làm sao tăng cường tìm hiểu phong tục tập quán, những nét đặc trưng của các nền văn hóa trong khu vực, tăng cường nhận thức về giá trị văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thúc đẩy tính sáng tạo và ngành công nghiệp nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.

Bạn Phạm Bích Uyên – sinh viên trường Đại học Quốc tế ĐHQG TPHCM – đại biểu Đoàn Thanh niên thành phố tham dự diễn đàn Thanh niên Đông Nam Á 2015 nêu suy nghĩ: “Thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn là tất cả các quốc gia khu vực ĐNA, đặc biệt là giới trẻ hãy cùng nhau bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc mình và đặc biệt là hãy tìm hiểu nhiều hơn bản sắc văn hóa các dân tộc khác, để cùng nhau xây dựng một cộng đồng văn hóa ASEAN thật vững mạnh và đoàn kết”.

Cộng đồng ASEAN được thành lập là sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của khu vực. Đó là kết quả nỗ lực của gần 5 thập kỷ trong quá trình xây dựng từ năm 1967. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của ASEAN dự tính đạt 4,7 ngàn tỷ đô la Mỹ vào năm 2020 và theo dự báo, ASEAN có khả năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho đời sống người dân các nước thành viên.

Với những nỗ lực, quyết tâm của từng quốc gia thành viên trong việc chung tay xây dựng một cộng đồng ASEAN lớn mạnh cho chúng ta niềm tin rằng dự báo đó sẽ trở thành hiện thực, cộng đồng ASEAN và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa ASEAN và các nước đối tác sẽ ngày càng gắn kết, hiệu quả và phát triển vì sự phồn vinh, hạnh phúc của 600 triệu người dân các nước ASEAN và vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.