Tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, nhắc nhớ người ở lại

(VOH) – Tại Lễ tưởng niệm, các đại biểu và đông đảo người dân đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông

Sáng nay (17/11), tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. 

Tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng các lãnh đạo, đại diện các Ban, Bộ, Ngành đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Ảnh: TTXVN

Các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông" năm nay được tổ chức trên phạm vi cả nước với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại".

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhận định, tai nạn giao thông là một trong những vấn đề hết sức nhức nhối và có thể xem là thảm họa của nhiều quốc gia. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15-27 tuổi.

Theo ông Hoan, mỗi ngày trôi qua, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 người và làm cho gần 40 người khác lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, mang đến sự đớn đau tột cùng cho hàng trăm gia đình. Thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được. Hơn 75% trong số họ đã tử vong khi tuổi đời còn rất trẻ là học sinh, sinh viên, là lao động chính của gia đình. "Di chứng thương đau của tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh không thể xoá nhòa trong ký ức của mỗi người thân, gia đình, bạn bè cho những người bị nạn. Nhiều mảnh đời thương tâm là gánh nặng cho gia đình, xã hội do hậu quả của tai nạn giao thông nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của cộng đồng", ông Hoan phát biểu.

Lễ tưởng niệm là dịp để tưởng nhớ và thương cảm đối với những người không may qua đời do tai nạn giao thông, cùng chia sẻ để phần nào xoa dịu nỗi đau đối với người thân của họ. Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống và sự cần thiết phải chấp hành luật giao thông. Ông Hoan kêu gọi: "Mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Mỗi gia đình, nhà trường cần giáo dục con em mình từ khi còn bé về ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho bản thân và cho cộng đồng".

Trong 10 tháng của năm 2019, cả nước xảy ra hơn 14.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 6.000 người, bị thương trên 10.000 người (so với cùng kỳ năm 2018 giảm cả ba mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương). Còn tại TPHCM xảy ra 2.605 vụ, làm chết 531 người và bị thương 1.975 người, kéo giảm cả 3 mặt, nhưng vẫn còn ở mức cao. Phía sau những cái chết do tai nạn giao thông là hàng ngàn tổ ấm bị tổn thương với hàng chục ngàn em nhỏ mất đi cha, mẹ, hàng ngàn bậc phụ lão mất đi nơi nương tựa cho những năm tháng cuối đời.

Nhiều người đã không giấu được sự nghẹn ngào khi nghe em Trần Nguyễn Hùng Thắng, đang học lớp 12, có mẹ vừa qua đời vì tai nạn giao thông, chia sẻ về nỗi đau quá lớn với Thắng và em trai, bỗng chốc trở thành mồ côi. Em Thắng rưng rưng nước mắt kể: "Trước khi mẹ mất mẹ có dặn ở nhà 2 đứa nấu cơm chờ mẹ về ăn. Nhưng mẹ không về nữa. Giờ mỗi tối, hai anh em không được ăn cơm cùng mẹ nữa. Em ước được gặp lại mẹ, ở thời điểm nào đó, dù chỉ 5 giây thôi cũng được".

Tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Em Trần Nguyễn Hùng Thắng có mẹ qua đời vì tai nạn giao thông mong muốn được gặp mẹ dù chỉ 5 giây thôi - Ảnh: TTO

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, thiệt hại do tai nạn giao thông đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến những tăng trưởng kinh tế và gây tổn thương cho hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, an toàn, thân thiện trong mắt bạn bè, đối tác. Đồng thời, cần thẳng thắn nhìn nhận là trong mỗi tai nạn giao thông có phần lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và Nhà nước. "Các cơ quan hữu quan của Nhà nước, của Trung ương và địa phương, các đơn vị, tổ chức và toàn thể nhân dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, tự giác thực hiện, đã uống rượu bia không lái xe, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thắt dây an toàn khi đi ô tô, cùng nhau xây dựng ý thức và thực hành văn hóa giao thông", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kêu gọi.

Tại Lễ tưởng niệm, các đại biểu và đông đảo người dân đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông, trong đó có những người thân trong gia đình, anh em, bạn bè người không may ra đi vì tai nạn. Đó cũng là giây phút nhắc nhớ mỗi người tham gia giao thông có ý thức và trách nhiệm hơn, vì sự an toàn của chính mình, người thân và cộng đồng.

Trong chuỗi hoạt động tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông năm nay, các trường học cũng dành 1 phút tưởng niệm và đọc thông điệp tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông vào lễ chào cờ và hệ thống phát thanh của trường. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ban An toàn giao thông các địa phương tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, động viên và phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.