Ứng dụng công nghệ vào khai thác và bảo quản hải sản trên tàu xa bờ

(VOH) - Sáng 29/11, tại TP Vũng Tàu, Tổng cục Thủy sản tổ chức Diễn đàn khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ khai thác và bảo quản sau thu hoạch trên tàu khai thác hải sản xa bờ.

Tại diễn đàn, các vấn đề được trao đổi, thảo luận như phát triển nghề khai thác viễn dương, một số kết quả nổi bật về công nghệ khai thác và bảo quản, một số quy trình công nghệ bảo quản sản phẩm hải sản trên tàu cá, ứng dụng máy đá sệt, công nghệ sản xuất đá lỏng từ nước biển ứng dụng trong bảo quản, giới thiệu một số thiết bị phục vụ khai thác an toàn như đèn LED Rạng Đông cho chiếu sáng, lưới đánh cá ChingFa, thiết bị xua đuổi cá heo, nhật ký hành trình, radar Koden, máy dò ngang, định vị...

khai thác hải sản xa bờ

Diễn đàn khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ khai thác và bảo quản sau thu hoạch trên tàu khai thác hải sản xa bờ

Với những công nghệ này, sẽ giúp giảm số ngày đi biển, tăng chất lượng hải sản, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân. Hiện nay, tỷ lệ hao hụt, hư hỏng sau thu hoạch trong bảo quản hải sản bằng nước đá khoảng 20% đến 30%, với mỗi chuyến biển 25 ngày. Với tổng lượng khai thác hải sản gần 3,4 triệu tấn năm 2018, mức độ thiệt hại kinh tế không hề nhỏ.

Về ứng dụng công nghệ trong khai thác thủy sản, ông Nguyễn Văn Chung, Vụ trưởng Vụ khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết công nghệ về khai thác như thu lưới, thả lưới cơ giới hóa, thứ hai, ứng dụng những gì để bảo quản sản phẩm như hầm, bảo quản tăng lạnh, đá rồi công nghệ, thứ ba là thu hút tập trung cá cũng là một vấn đề quan trọng để khi đánh bắt có năng suất, hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng giới thiệu đề án hợp tác khai thác hải sản ở ngoài vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế giai đoạn từ nay đến năm 2025. Mục tiêu giúp doanh nghiệp và ngư dân khai thác hải sản hợp pháp, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác không đáp ứng theo yêu cầu IUU của EU, để tháo gỡ thẻ vàng EU.

Cụ thể đến năm 2020, thí điểm ở 3 tỉnh Quảng Ngãi, Tiền giang và Bà Rịa Vũng Tàu hợp tác khai thác hải sản với Brunei, Papua Guinea và Micronesia, sau đó, mở rộng thêm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre và Kiên Giang đánh bắt hải sản sang một số quốc gia và vùng biển quốc tế khác.

Theo Tổng cục Thủy sản, từ năm 2010 đến 2016, đã có gần 1.100 vụ với gần 1.800 tàu cá và gần 14.000 ngư dân nước ta vi phạm vùng biển các nước như Thái Lan, Malaysia... gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, xuất khẩu sang EU bị hạn chế vì cảnh báo thẻ vàng. Hiện nước ta có khoảng 32.000 tàu đánh bắt cá xa bờ.