Vai trò của truyền thông quan trọng trong EVFTA

(VOH) - EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 được cho là cơ hội lớn với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung.

Với khối lượng khổng lồ 17 chương, nội dung trải rộng và lợi ích đem lại to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân, Hiệp định EVFTA rất cần được thông tin một cách rộng rãi để doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng tốt cơ hội từ hiệp định mang lại.

Đây là mong muốn của Bộ Công thương, lãnh đạo thành phố tại Tọa đàm về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và vai trò của truyền thông do Bộ Công thương tổ chức sáng nay 1/7 tại TPHCM. Các Tổng biên tập, lãnh đạo cơ quan báo đài trên địa bàn TPHCM tham dự.

Các tổng biên tập, lãnh đạo cơ quan báo chí tham dự.

EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được coi là mẫu mực trong khuôn khổ thương mại đa phương. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh, mẫu mực là bởi, đây là thực thể kinh tế gồm 27 quốc gia có trình độ về kinh tế và quản trị quốc gia ở mức tiên tiến, hàng đầu thế giới ký kết Hiệp định thương mại với thực thể là một nền kinh tế đang phát triển và ở trình độ thấp hơn nhiều.

Các nội dung thỏa thuận dựa trên quy tắc bất đối xứng nhằm có những giải pháp hướng đến đảm bảo lợi ích chung của cả hai bên cân bằng. Hiệp định kéo dài ròng rã suốt 9 năm đàm phán để mang về kết quả tích cực như hôm nay. …

EVFTA là Hiệp định toàn diện, bên cạnh những lĩnh vực truyền thống thì Hiệp định cũng mở ra những quy định đối với những lĩnh vực mới phi truyền thống bao gồm những vấn đề nhạy cảm nhưng đang là chủ đề cho phát triển bền vững của thế giới đối với tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, thương mại, đầu tư, từ việc đánh bắt cá, khai thác gỗ, rừng trồng bất hợp pháp cho đến vấn đề mua sắm công của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ… Do đó, Việt Nam phải thực thi không chỉ về cải cách thể chế nói chung mà còn giải quyết các vấn đề cụ thể từ tập quán trong văn hóa, kinh tế xã hội như đánh bắt cá không khai báo hay xuất khẩu gỗ từ nguyên liệu không hợp pháp,…

Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định này bao gồm cả những nội dung hướng đến tất cả các đối tượng, chủ thể tham gia để đảm bảo không có đối tượng nào bị tụt lại phía sau do tác động của hội nhập. “Mục tiêu và yêu cầu của chúng ta để triển khai thực thi hiệp định có hiệu quả, thì không phải của chính phủ Việt Nam mà đó cũng là yêu cầu của phía EU. Chính vì vậy, phía EU cũng đưa ra trong nội dung hiệp định những yêu cầu liên quan trực tiếp đến năng lực thể chế của Chính phủ Việt Nam trong tổ chức triển khai thực thi hiệp định. Điều đó cho thấy, ý nghĩa yêu cầu mục tiêu đặt ra không chỉ đơn thuần là câu chuyện của tăng trưởng, kim ngạch, xuất nhập khẩu và quan hệ thương mại giữa các chủ thể này, mà phải hướng tới mối quan hệ, sự tiến bộ và phát triển”.

Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh nhận định: EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được coi là mẫu mực trong khuôn khổ thương mại đa phương.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên cho rằng, tuy Hiệp định đưa ra những khuôn khổ "cứng" nhưng chúng ta cần có cách tiếp cận linh hoạt phù hợp với điều kiện của Việt Nam để có lợi nhất trong quá trình thực thi đồng thời, cần thông tin để mọi người hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu chính xác:

“Chúng tôi cũng mong muốn có những cơ chế, hình thức phù hợp với cộng đồng doanh nghiệp, người dân để làm sao những thông tin này đến được đối tượng rộng nhất và đúng đối tượng cần thiết nhất. Có những tác động tương tác để một mặt người dân và doanh nghiệp nắm được thông tin, mặt khác để cơ quan nhà nước hiểu được những ý kiến tâm tư của người dân, doanh nghiệp để thực hiện đúng những yêu cầu đó”.

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có hơn 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, nếu không tận dụng được lợi ích từ Hiệp định sẽ là điều rất đáng tiếc. Tuy nhiên, theo ông, không phải doanh nghiệp nào cũng có bộ phận chuyên gia nghiên cứu hiểu rõ về một Hiệp định đồ sộ, đa dạng như EVFTA. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức mong muốn:“Với vai trò của báo chí, khi cơ quan báo chí làm tốt vai trò của mình giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, thành phố và Việt Nam nói chung có sự hiểu biết sâu rộng hơn, ý thức hơn về việc chúng ta phải làm gì, phải tránh gì phải tận dụng cơ hội ra sao để có bước phát triển”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, về tuyên truyền phổ biến pháp luật, giới thiệu về các khuôn khổ hội nhập này, mặc dù làm việc rất nhiều, nguồn đầu tư, nguồn lực rất lớn, nhưng có đến gần 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam không biết nhiều và không nắm được các thông tin trong khuôn khổ hội nhập. Hiện doanh nghiệp Việt Nam hạn chế về nguồn lực và cả về tư duy nên gần như bị động về pháp luật, chính sách và cả hội nhập… Ngay cả các cán bộ các ngành các cấp cũng chưa nắm rõ nội dung và yêu cầu của hội nhập. Do đó, mặc dù Hiệp định chưa có hiệu lực, Bộ cũng đã xây dựng chương trình hành động và tuyên truyền phổ biến giới thiệu về Hiệp định.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu:“Đó là câu chuyện vai trò của truyền thông, tương tác của truyền thông như thế nào để hỗ trợ Chính phủ, lan tỏa, hiệu quả trong tuyên truyền phổ biến pháp Luật. Nếu như đưa lên cổng thông tin điện tử của Bộ, trang hội nhập, FTA của Bộ và có sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài mà vẫn không có được những tương tác tốt với người dân và doanh nghiệp thì chúng ta phải đánh giá lại, xem lý do tại sao. Chính vì vậy, câu chuyện các diễn đàn, các khuôn khổ mới để các cơ quan truyền thông cùng vào cuộc, giúp cho chúng tôi, giúp cho Chính phủ là vô cùng ý nghĩa.

Tôi đề nghị văn phòng Bộ Công thương phối hợp với Vụ thương mại đa biên các đồng chí phải xây dựng ngay cho chúng tôi bổ sung vào công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật việc hợp tác với các cơ quan truyền thông nội dung cụ thể hóa của Hiêp định”.