Vấn đề hôm nay: Đằng sau câu chuyện bệnh nhân trốn viện

(VOH) - Mới vừa rồi, trong chuyến đi công tác về quận, huyện vùng ven, có dịp ngồi lại cùng anh em ngành y tế, nghe mấy anh nói chuyện nghề, những vui buồn trăn trở trong cuộc đời của một lương y thời hiện đại... Câu chuyện đang diễn ra rôm rả thì lòng chúng tôi bỗng như thắt lại, một cảm xúc thật khó tả khi nghe vị bác sĩ đang làm Giám đốc tại bệnh viện quận kể lại sự việc tại bệnh viện ông, rằng thời gian qua có rất nhiều bệnh nhân nghèo đến nằm viện, trong số đó có 1 bệnh nhân nam. Ông này nằm điều trị với viện phí hơn 3 triệu, không có tiền, ông trốn viện…

Không yên lòng, vị bác sĩ này cùng y bác sĩ của bệnh viện lặn lội tìm đến tận nhà ông… Và khi tìm đến nhà, cả nhóm không tin nổi vào mắt mình, vì thực ra, nơi trú ngụ của bệnh nhân này chỉ là cái chòi lá dột nát mà tất cả đồ đạc trong nhà nếu quy ra không hơn nổi 200.000 đồng. Người bệnh nghèo quá vậy thì làm sao có tiền đóng viện phí… Chứng kiến cảnh sống ấy, để rồi thấy rằng, việc tìm ra sự thật đó thực sự cần đến dường nào… Đến, tìm hiểu gia cảnh, bệnh viện miễn hết viện phí và còn tặng ngay cho ông một số tiền giúp ông mau phục hồi sức khỏe….


Khám bệnh cho người dân trực tiếp tại địa phương - Ảnh: thanhdoan.

Câu chuyện mà vị bác sĩ ấy trải lòng quả thật khiến cho chúng tôi có một cái nhìn thiện cảm hơn, quý mến hơn với ngành y tế mà bấy lâu, có nhiều sự việc làm khoảng cách ấy dường như ngày càng xa đi.

Ngày nay, đến các bệnh viện, chúng ta thường gặp những hình ảnh thật đáng thương, khổ sở và tội nghiệp của những người bệnh nghèo. Nghèo như ông bà ta nói quả đúng là thường mắc cái eo, và một khi họ đến bệnh viện cũng là sự lựa chọn cuối cùng để cứu lấy sinh mạng, vì nếu bệnh nhẹ, bệnh còn cầm cự được thì họ sẽ không bao giờ đi khám để phải đổi lấy 1 ngày công, thay vì ở nhà có thể đi làm thuê, làm mướn kiếm được ít gạo, ít tiền cho gia đình mình. Thế nên, trong câu chuyện thường thấy hằng ngày là bệnh nhân trốn viện, trong những bảng thống kê danh sách nợ của bệnh nhân thì có mấy ai hiểu được là trong muôn vàn cảnh đời ấy, cuộc sống của họ ra sao và vì sao họ phải chọn phương cách giải quyết rất mặc cảm là trốn viện?

Câu chuyện tuy nhỏ, mà vị bác sĩ tuyến y tế cơ sở chia sẻ làm chúng tôi thực sự xúc động và cảm thấy nghẹn lòng khi đâu đó vẫn có những tấm lòng, những con người hiểu được cái khổ và nỗi mặc cảm của người nghèo, chí ít là một sự cảm thông, một sự chia sẻ lại càng quý hơn nhiều lần đối với người nghèo, để họ thấy rằng, xã hội không bỏ rơi mình và vẫn còn dang tay đón lấy khi họ rơi vào cảnh bệnh tật khốn cùng… Đến tận nơi thấy nhà cửa, thấy cuộc sống họ như thế nào, đó mới là một thực tế sống động để giúp thầy thuốc cảm thông hơn với bệnh nhân nghèo.

Hằng ngày, quanh áp lực phòng mổ, rồi căn bệnh quá tải trầm kha, nhiều lúc khiến cho các bác sĩ dường như quá bận rộn, họ cảm thấy “lạnh lùng”, xa cách với bệnh nhân, làm sao hiểu được đằng sau căn bệnh mà bệnh nhân đang phải gánh chịu là cả 1 cuộc đời nghèo khổ, đeo đẳng họ từ đời này sang đời khác, khiến người nghèo càng cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng khi không may họ mắc phải những bệnh lý nan y hiểm nghèo.

Xã hội chúng ta ngày càng có thêm nhiều những tấm lòng vàng, những mạnh thường quân rất chịu khó đi đến tận nơi, tìm hiểu thực tế từng cảnh đời để giúp cho người nghèo, vậy thì với bệnh nhân nghèo, lại càng phải thương cảm với họ hơn… Từ lần đi thực tế đó đã cho vị bác sĩ nơi tuyến cơ sở thêm lòng tin rằng, suy nghĩ của ông với bệnh nhân nghèo và cách ông giải quyết vấn đề là hợp tình hợp lý. Chúng tôi cảm thấy vui và xúc động khi tại bệnh viện cửa ngõ thành phố - nơi còn khá đông bệnh nhân nghèo - mà có vị bác sĩ đầu tàu chịu hiểu và thông cảm với cái nghèo của người bệnh. Hiện nay, hầu như bệnh viện nào cũng có bộ phận làm công tác xã hội, giúp đỡ bệnh nhân nghèo đó cũng là điều rất đáng hoan nghênh. Nhưng, cách thức tìm hiểu đến tận tường vấn đề, tận tường cuộc sống của người bệnh như bệnh viện nơi cửa ngõ ấy mới là điều đáng quý vô cùng…