Vang mãi “Tiếng mõ Nam Lân”

(VOH) - Nhằm giáo dục về truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của đất nước, kỷ niệm 73 năm Nam Kỳ Khởi Nghĩa, sáng nay 23/11, Bộ Tư lệnh Thành phố phối hợp cùng Thành đoàn TPHCM đã tổ chức Hội trại “Tiếng mõ Nam Lân” năm 2013.

Ngay từ sáng sớm, tại khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng huyền thoại đã tràn ngập sắc xanh từ màu áo Đoàn viên thanh niên và màu quân phục của các chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố.

Được biết, hội trại năm nay thu hút 600 trại sinh, đến từ 60 cơ sở Đoàn trực thuộc Thành đoàn TPHCM và 6 đơn vị khách mời. Tất cả cùng hòa chung một niềm phấn khởi, tự hào khi được tham dự hoạt động đầy ý nghĩa của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác. Hội trại bắt đầu từ sáng 23/11 và kết thúc vào trưa 24/11. Các trại sinh được bố trí vào 4 cụm trại mang tên các nhà cách mạng ưu tú của Đảng: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần và Phan Đăng Lưu.

Với tên gọi “Tiếng mõ Nam Lân”, hội trại đã gợi nhớ biết bao hồi ức bi tráng trong suốt chặng đường cách mạng của quê hương “18 thôn vườn trầu” Hóc Môn - Bà Điểm. Trong những ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mỗi lần tiếng mõ Nam Lân vang lên là báo hiệu tinh thần quật khởi của quân dân ta, khiến quân thù phải bao phen khiếp sợ.


Dâng hoa viếng các liệt sỹ tại khu di tích Ngã Ba Giồng tại Huyện Hóc Môn - Ảnh: Thanhnien.hcm.

Ngày nay, được đứng trên quê hương Nam Kỳ Khởi Nghĩa và thắp nén hương thành kính dâng lên anh linh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, trong anh mắt của các bạn trẻ đã không giấu được niềm xúc động và tự hào về cha anh đi trước. Bạn Hà Thu Thủy - Đoàn viên Quận đoàn 10, cụm trại Phan Đăng Lưu chia sẻ: "

Thật sự trước khi đến đây thì em chưa hiểu ý nghĩa lắm, nhưng sau khi dâng hương đã giúp cho em ghi nhớ công ơn của cha anh đi trước, và cũng giúp em có thêm nhiều mối quan hệ hơn".

Bên cạnh các hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn như tổ chức thăm hỏi, tặng quà các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, sửa chữa nhà tình nghĩa, viếng nghĩa trang liệt sĩ Tân Xuân… hội trại “Tiếng mõ Nam Lân” còn là dịp để Đoàn viên, thanh niên thành phố giao lưu với chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang thành phố; qua đó, tăng cường mối quan hệ gắn bó quân - dân, giúp nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm, rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

Đến thăm cụm trại Nguyễn Thị Minh Khai, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các chiến sĩ trẻ của Trung đoàn Gia Định đang chỉ dẫn tận tình cho các bạn Đoàn viên, thanh niên cách tháo lắp súng tiểu liên AK47 để phục vụ cho nội dung thi sắp tới. Với niềm tự hào là một người lính của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, chiến sĩ Bùi Tôn Bảo Phong - Trung đoàn Gia Định chân thành bộc bạch: "Em cảm thấy rất vinh dự khi được tham gia hội trại truyền thống “Tiếng mõ Nam Lân” và em rất biết ơn ông cha ta đi trước đã hy sinh để có được ngày hôm nay. Là một chiến sĩ đang thi hành nghĩa vụ, em sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để xây đắp cho đơn vị và Tổ quốc".

Hội trại “Tiếng mõ Nam Lân” năm nay được tổ chức quy mô hơn với nhiều hoạt động để lại dấu ấn sâu sắc như: Hội thi tìm hiểu về 18 thôn vườn trầu, về truyền thống đấu tranh của nhân dân Bà Điểm - Hóc Môn trong khởi nghĩa Nam Kỳ; chương trình nghệ thuật “Hào khí Nam Kỳ Khởi Nghĩa” và biểu diễn các cụm trại; hành quân đêm; sân chơi thao trường quân sự; thắp nến tri ân… Thông qua đó đã góp phần xây dựng niềm tin, bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thanh niên thành phố, hun đúc tinh thần sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng úy Nguyễn Hoàng Hà - Ủy biên BCH Thành đoàn, Trợ lý thanh niên Bộ Tư lệnh thành phố cho biết: "Hội trại năm nay có nét mới là các nội dung đều nhằm chuẩn bị cho 75 năm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Còn về tác động thì tất cả các hội trại truyền thống nói chung và hội trại “Tiếng mõ Nam Lân” nói riêng đều mong muốn và có mục đích chung là truyền đạt cho các trại sinh những kiến thức về lịch sử, truyền thống và kiến thức quốc phòng an ninh. Đó là ý nghĩa của hội trại mà Bộ Tư lệnh thành phố và Thành đoàn tổ chức".

Khởi Nghĩa Nam Kỳ đã nêu lên một tấm gương sáng về tinh thần kiên cường, bất khuất của nhân dân ta. Từ cuộc khởi nghĩa đầy khí phách này, nhân dân càng gắn bó thêm với Đảng, càng tôi luyện ý chí cách mạng, cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ ngày ấy vang vọng mãi hình ảnh hào hùng, báo hiệu phong trào cách mạng nước ta lớn mạnh và phát triển không ngừng, toàn dân đồng lòng theo tiếng gọi của Đảng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. 73 năm đã trôi qua, nhưng Nam Kỳ Khởi Nghĩa mãi là mốc son oanh liệt của mảnh đất “Nam bộ thành đồng”, của miền Nam “đi trước về sau”. Tiếp bước cha anh đi trước, tuổi trẻ thành phố hôm nay nguyện hăng say học tập, rèn luyện để gìn giữ non sông đất nước mãi tươi đẹp ngàn đời.