Vì sao tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố chậm?

(VOH) - “Tiến độ xây dựng cơ bản trên địa bàn TPHCM 6 tháng đầu năm chậm, khối lượng thấp” - Đây là kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín trong cuộc họp giao ban cuối tuần qua.
Dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 là một trong nhiều dự án trọng điểm tại TPHCM đảm bảo được tiến độ. Ảnh: DĐDN

Năm 2013, UBND TPHCM giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn là hơn 16.790 tỷ đồng. Đến nay, giải ngân được gần 6.300 tỷ đồng, chỉ đạt tỷ lệ 37%. Tiến độ giải ngân đầu tư xây dựng các công trình đầu tư xây dựng chậm, tất yếu tiến độ xây dựng chậm. Quận Gò Vấp hiện có 7 công trình chuyển tiếp và 5 công trình khởi công mới. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở quận Gò Vấp được ghi trong năm nay là 116 tỷ đồng. Tới thời điểm này giải ngân và tạm ứng là 48 tỷ, đạt hơn 40%. Nhìn vào tiến độ theo phân bổ, giải ngân hàng tháng chưa đạt 50%. Theo ông Lê Hoàng Hà, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp nguyên nhân chính làm cho tiến độ giải ngân không như mong muốn là khó khăn về đền bù giải tỏa. Trong 7 công trình chuyển tiếp thì vẫn còn một số công trình phải tiếp tục làm công tác giải tỏa. Tuy nhiên, nếu nhìn về công tác quản lý đối với đầu tư xây dựng cơ bản thì, giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản sẽ tập trung vào cuối năm nhiều hơn. Nếu đánh giá mức độ giải ngân vốn tập trung của quận Gò Vấp so với hàng năm thì đây là mức bình thường. Ông Lê Hoàng Hà, giải thích thêm: "Các công trình khởi công mới thì hầu như đầu năm, sau Tết vô mới bắt đầu ghi kế hoạch rồi mới bắt đầu triển khai công tác tổ chức đấu thầu. Có rất nhiều công trình khởi công mới thì đến thời điểm này mới bắt đầu có thể khởi công được. Cho nên thời điểm 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân luôn luôn thấp hơn nhóm 6 tháng cuối năm. Chủ yếu là tạm ứng, có công trình còn chưa hoàn thành thủ tục tạm ứng, cho nên, đến khoảng tháng 9 tốc độ giải ngân sẽ tăng lên”.

Năm 2013 Trung tâm Chống ngập được giao số vốn là 476 tỷ, đã giải ngân 45%, đạt khối lượng công trình là 56%. Tuy nhiên, nếu chỉ tính khối lượng công trình mới trong năm 2013 thì con số này chỉ còn 20%. Phó giám đốc Trung tâm Chống ngập TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Công, cho rằng, các công trình mới chậm tiến độ là do phải mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục hành chính: "Nếu chúng ta ghi vốn đợt 1 là vào tháng giêng, chúng ta sẽ mất 2 tháng đấu thầu. Đến tháng 6, Ban quản lý đầu tư dự án mới có thể giải ngân được khối lượng lớn. Chính việc giải ngân khối lượng lớn này mới là cơ sở để Sở Kế hoạch đầu tư và Sở Tài Chánh ghi vốn tiếp đợt 2. Rồi nhiều khi bây giờ tới tháng 3, rồi đấu thầu 2 tháng là tới tháng 5, tiếp đến là tới tháng 6 là sơ kết xây dựng cơ bản rồi đến tháng 7 là tới nhu cầu vốn, nhu cầu vốn thì dựa trên cơ sở này rõ ràng các chủ đầu tư không thể nào thực hiện được, cho nên là cắt vốn tiếp, là công trình chuyển tiếp qua năm sau”.

Làm rõ thêm việc giải ngân, ghi vốn chậm, ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng Phòng Kiểm soát Chi ngân sách địa phương Kho bạc nhà nước TPHCM cho biết: "Thứ nhất là khối lượng hoàn thành phải đủ điều kiện thì kho bạc mới giải ngân được, thứ 2 là từ năm 2012 đến nay, thì có Chỉ thị 1792 thì kho bạc chỉ được tạm ứng vốn cho các công trình theo 30% vốn kế hoạch, đó cũng là một nguyên nhân, do thời gian giao kế hoạch vốn đầu năm cũng hơi bị trễ nên các đơn vị làm thủ tục về đấu thầu cũng trễ, hướng tới để giải quyết việc này thì nên bố trí vốn trung hạn”.

Với Quận 4, các công trình không thực hiện đúng tiến độ còn do vướng mắc từ các phương án bồi thường giải tỏa. Điển hình là dự án Cù lao Nguyễn Kiệu, quận 4. Số vốn giải phóng mặt bằng lên tới 80 tỷ. Vấn đề đã được bàn thảo từ năm 2008 nhưng vẫn còn những thiếu sót về thủ tục nên đến năm 2012 lại phải làm lại. Hội đồng giải phóng mặt bằng thành phố đã có 5 lần họp nhưng vẫn chưa đi đến kết quả. Giá bồi thường thực hiện các phương án giải tỏa như: tái định cư, nhận tiền trực tiếp… phải điều chỉnh liên tục, gây khó khăn cho chủ đầu tư, bất ổn trong dân cư. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND Quận 4 chia sẻ: "Nếu mà giải được cái này thì sẽ không bị vướng trong số 80 tỷ đã giao, bởi nó chiếm số vốn khá lớn. trong khi đó, cũng có một dự án bồi thường, vì thiếu vốn nên Quận phải ngưng hồ sơ lại hết. Tức là vốn được giao năm 2013 là đã giải rồi, hiện chỗ này thì thiếu nhưng chỗ kia vốn lại nằm. Nếu không giải quyết được chỗ cù lao Nguyễn Kiệu thì chắc là quận sẽ kiến nghị điều hòa vốn nhưng trước mắt chắc là phải giải quyết chổ này để làm giảm nhiệt”.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng: vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng tuy không phải là nguyên nhân mới nhưng rất phức tạp và không dễ dàng thực hiện. Trước đây, giải phóng mặt bằng là một khâu trong dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do khó thực hiện nên lãnh đạo thành phố cho phép tách việc giải phóng mặt bằng ra, thực hiện trước. Hay nói cách khác, đây chính là khâu chuẩn bị thực hiện dự án. Và chỉ khi nào giải phóng mặt bằng xong mới được đấu thầu, bố trí vốn để thi công. Mục đích của việc tách công đoạn này ra là nhằm giúp cho các chủ đầu tư, thi công tập trung lực để hoàn thành dứt điểm từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc này chưa được thực hiện tốt trong thời gian qua. Về năng lực của ban quản lý dự án, nhà thầu thi công hạn chế thì lãnh đạo địa phương cần rà soát lại một cách chặt chẽ, để xem hạn chế của mình chỗ nào mà có hình thức bồi dưỡng, đào tạo thích hợp, hiệu quả. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác giao ban thường xuyên, các đơn vị chủ đầu tư sẽ nhanh chóng tìm được cách tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Ông Nguyễn Hữu Tín, nhấn mạnh: “Tôi xin đề nghị: là từng tháng một, từng đồng chí chủ tịch các quận - huyện, lãnh đạo các sở phải ngồi rà lại với nhau, trên các dự án của mình, hàng quý, tôi sẽ giao ban xây dựng cơ bản, nhưng cũng có thể tôi sẽ họp đột xuất nếu như qua giao ban của các đồng chí phát hiện những vấn đề vượt thẩm quyền các đồng chí, thì hàng tuần, hàng tháng, tôi sẽ cùng với các đồng chí xử lý các vấn đề đó, và tôi tin rằng nếu chúng ta tập trung, chỉ đạo một cách quyết liệt, tổ chức giao ban thường xuyên, giám sát chặt chẽ, thì chúng ta sẽ xử lý được những cái tồn đọng”.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cũng cho biết: dự kiến nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của TPHCM từ đây đến hết năm 2013 là khoảng 6.900 tỷ đồng. Giải pháp tạo nguồn chi cho các dự án, ngành thuế sẽ tăng cường các biện pháp quản lý nguồn thu, thu đúng, thu đủ, kịp thời theo quy định; lãnh đạo địa phương sẽ công bố dự án cần tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước; huy động vốn xã hội hóa, nhằm giảm bớt áp lực cho ngân sách thành phố./.