Vu lan – mùa báo hiếu

(VOH) - Đối với dân tộc Việt Nam, rằm tháng 7 hằng năm đã không còn là một nghi lễ quan trọng dành riêng cho những người theo Phật giáo. Cụm từ “Tháng 7 – Mùa vu lan báo hiếu” cũng trở nên quen thuộc với tất cả mọi người. Đây chính là dịp để nhắc nhở chúng ta biết tri ân và báo đáp công lao đối với cha mẹ, ông bà, đồng thời cũng thể hiện nếp sống tốt đẹp đã có tự ngàn xưa của dân tộc. Thấm nhuần đạo nghĩa nhân văn đó, lớp lớp con cháu hôm nay vẫn duy trì lòng tôn kính của mình, đặc biệt là mỗi khi mùa vu lan về.
Mặc dù chính lễ vu lan 2014 sẽ diễn ra trong ngày mai nhưng từ sáng hôm nay những ngôi chùa ở TPHCM đã có đông phật tử và du khách từ các nơi đến để cúng viếng. Tại chùa Ấn Quang (quận Tân Bình), bên trong dòng người tấp nập vào thắp hương cúng bái có không ít các bạn trẻ.

Thấu hiểu sự khó khăn và công lao trời biển của cha mẹ nên anh Nguyễn Văn Dương (ở Khu phố 3, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) luôn dành cho ba mẹ những sự quan tâm ân cần nhất. Sự hiếu nghĩa của con cái đối với ba mẹ là điều phải làm mỗi ngày. Nhận thức như thế nên từ khi trưởng thành, chưa bao giờ anh dám làm phật lòng bố mẹ, dù là chuyện nhỏ nhất. Những lời dạy bảo của ông bà, cha mẹ luôn được anh Dương khắc ghi trong lòng mình và luôn lấy đó để soi lại mình trong từng hành động và lời nói. Chúng tôi tin điều đó bỡi ngay trong ánh mắt, trong từng lời trò chuyện của anh Dương với chúng tôi về cha mẹ luôn ẩn chứa một tình cảm gì đó rất thiêng liêng, to lớn. Có chăng, anh chỉ hối tiếc về những ngỗ ngược của mình khi còn ở tuổi bồng bột, mới lớn: “Lúc trước đi học mình cũng hơi quậy, không biết nghĩ tới những điều xa xôi như cha mẹ sinh mình ra rồi nuôi mình lớn. Bây giờ khi đã đi làm, cũng biết rằng đi làm kiếm tiền rất khó nên nhiều lúc mình cũng nghĩ không làm cho ba mẹ buồn, không quậy phá như ngày xưa. Khi đi làm lãnh lương em còn mua đồ về cả nhà ăn nữa, có dư giả ít nhiều thì giúp mẹ đóng tiền học phí cho em. Giờ còn khỏe mạnh mình nghĩ nên phụ được cái gì cứ phụ, giúp được cái gì cứ giúp cho gia đình, chứ không riêng những dịp này”.

Bông hoa cài lên ngực áo của mỗi người đi lễ Vu Lan (ảnh: bao24)

Đi sâu vào chùa Ấn Quang, một nhóm gia đình phật tử của chùa đang vội vã cắt dán những bông hoa cuối cùng để ngày mai trang trọng cài lên ngực áo của mỗi người đi lễ. Trao đổi với phóng viên VOH, chị Tống Thị Hồng Hoa (phường 3, quận 8) cho biết: đây là lần đầu tiên phần việc này được giao cho gia đình phật tử của chùa làm. Mỗi bông hoa đều mang một ý nghĩa tượng trưng. Những ai cài lên ngực áo một bông hoa màu đỏ sẽ rất tự hào vì mình còn cha còn mẹ; những ai còn mẹ hoặc còn cha sẽ được cài lên ngực áo bông hoa màu hồng để nhớ rằng mình vẫn còn có đấng sinh thành để đền áp công ơn; còn những ai mất cả mẹ cha sẽ được cài lên ngực áo một bông hoa màu trắng…Nhưng tiếc thay, trước mắt chúng tôi, cánh hoa trắng xót xa ấy lại hiện diện trên ngực áo của chị. Chị Hồng Hoa cho biết, mẹ chị đã mất đến nay đã 12 năm, còn ba thì ra đi trong một tai nạn cách đây 2 năm. 2 năm qua, cành hồng trắng được chị cài trang trọng lên ngực áo. Không còn đấng sinh thành để an ủi, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và những khó khăn trong cuộc sống là một mất mát lớn không dễ gì vượt qua, chính vì vậy mà những ai còn cha còn mẹ phải biết quý trọng với những gì mình đang có. Chị chia sẻ: “Ngày lễ vu lan nhắc tôi nhớ đến công lao cha mẹ đã sinh ra và nuôi lớn mình nhưng không chỉ tháng 7 mới nghĩ đến, trong lòng mình lúc nào cũng luôn nhớ đến nhưng đồng thời cũng phải sống cho thật tốt. Tôi cũng muốn nhắn nhủ với những ai còn cha còn mẹ nên biết quý, khi có cha có mẹ thì rất hạnh phúc vì mọi việc được cha mẹ lo nhưng những lúc mất rồi thì rất là hụt hẫng, vì nhiều lúc không có ai để chia sẻ, nâng đỡ”.



Đối với dân tộc Việt Nam, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây được hình thành và vun đắp từ hàng ngàn năm qua. Đạo lý ấy đã nuôi lớn bao thế hệ và vào dịp rằm tháng 7 - mùa vu lan báo hiếu như được nhen nhóm lên và nhắc cho tất cả mọi người đừng quên bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Sư thầy Thích Huệ Phương, thành viên BCH giáo hội Phật giáo TPHCM cho biết: “Muốn báo đáp công ơn của cha mẹ sinh thành thì mình có thể làm nhiều cách nhưng trong tất cả các cách thì cách cúng vu lan là cách tốt đẹp nhất và mỗi năm như vậy số lượng người hưởng ứng để báo đáp cho cha mẹ của mình trong hiện thời, trong quá khứ ngày càng lúc càng nhiều, nó cũng phù hợp với tinh thần đạo hiếu của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam chúng ta đề cao chữ hiếu, trong khi đó tinh thần báo hiếu của nhà Phật cũng rất phù hợp. Chính vì vậy mà chương trình báo hiếu của nhà phật đã trở thành lễ trọng chung của cả cộng đồng chứ không riêng gì của phật giáo”.




Vu lan – mùa báo hiếu đã trở thành một nghi lễ quan trọng và đẹp đẽ của dân tộc, đề cao tình hiếu thuận và sự biết ơn. Tuy nhiên, ai cũng biết hiếu thuận với ông bà, cha mẹ không chỉ là việc trong ngày một, ngày hai, nhưng Vu Lan vẫn luôn là dịp để bao nỗi niềm được bộc bạch, sẻ chia. Tấm lòng của bao người con, dù đang được ở bên cha mẹ hay phải xa quê, được tri ân đấng sinh thành, dưỡng dục của mình một cách thành kính nhất. Bằng cách ấy, ngày lễ Vu Lan đã, đang và mãi là một hoạt động xã hội hết sức tích cực, đầy tính nhân văn, dễ dàng được cảm thông và đón nhận. Cũng thông qua dịp lễ trọng này để nhắc nhở mỗi chúng ta hãy biết trân quý từng phút giây bên cha mẹ của mình- những đấng sinh thành, dưỡng dục. Đừng để mai này phải tiếc nuối.