Xã luận: 70 năm một cuộc đổi đời

(VOH) - Đúng ngày này cách đây tròn 70 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dõng dạc tuyên bố với Quốc dân đồng bào và toàn Thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nghe toàn văn bài viết:

Lần đầu tiên sau nhiều năm trường chịu kiếp sống nô lệ của người dân thuộc địa, bằng cuộc Cách mạng tháng 8 thần kỳ, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, dân tộc Việt nam đã thực sự ngẩng cao đầu, bước ra từ tủi nhục và lầm than. Và kể từ thời điểm mang tính bước ngoặt lịch sử đó “…Nước Việt nam từ máu lửa- rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa…”

7 thập niên trước đây, dưới sự dẫn dắt tài tình của Đảng ta - Đảng cộng sản VN và Chủ tịch Hồ chí Minh, dân tộc ta thực sự đổi đời từ cuộc cách mạng mùa thu năm 1945. Cả nước một lòng, nhất tề nổi dậy làm nên thắng lợi diệu kỳ, gây chấn động và rung chuyển cả hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp lúc bấy giờ. Một sự kiện chưa từng có tiền lệ vào thời điểm đó. Cũng từ ngày 2/9/1945, ngày mà Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ thế giới, lịch sử Việt Nam hiện đại bắt đầu mở sang trang mới đầy những kỳ tích, bi hùng, oanh liệt và vẻ vang.

Giành độc lập chưa được bao lâu, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ngay lập tức đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn vây quanh. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” , hết sức mong manh và vô cùng nguy khốn, Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta  phát huy cao độ tinh thần sáng tạo, sự khéo léo và tài thao lược…đã lãnh đạo toàn dân vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, với phương châm “vừa kiến quốc, vừa kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”. Trong giai đoạn 1945-1946, chúng ta vừa phải chống thù trong giặc ngoài, tổ chức kháng chiến và xây dựng đất nước, đồng thời củng cố chính quyền, lãnh đạo toàn dân thực hiện cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 6/1/1946 và xây dựng nền Hiến pháp dân chủ đầu tiên. Có thể nói là ở thời điểm này, cách mạng VN vượt qua những thử thách hiểm nghèo bằng việc vừa xây dựng chế độ mới, chăm lo đời sống người dân, vừa phải chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và tổ chức kháng Pháp, kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng. Tháng 12/1946, Đảng ta và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến. Bằng 9 năm trường kỳ đánh Pháp, toàn quân và toàn dân ta dưới sự chỉ huy của đại tướng tài danh Võ Nguyên Giáp đã làm nên Chiến thắng Điện biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu cùng với việc ký kết Hiệp định Gèneve 1954, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở VN và mở đầu chuỗi thất bại của chế độ thực dân cũ trên thế giới. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, đi lên CNXH, làm hậu phương vững chắc cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 - Ảnh: Tuyengiao.

Phá vỡ cam kết của Hiệp định Gèneve, Đế quốc Mỹ với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới. Trước tình hình như vậy, cả nước lại bước vào khó khăn và thử thách mới. Đảng ta chủ trương cả nước đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng: Cách mạng xây dựng CNXH ở miền Bắc làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ ở Miền Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn Miền Nam khỏi ách thống trị của Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện thống nhất và toàn vẹn non sông, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Phương châm và tinh thần cách mạng ấy đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo và triệt để. Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, đưa non sông về liền một dải. Có thể nói, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những trang sử chói lọi và vẻ vang nhất của lịch sử dân tộc và là một sự kiện mang tầm quốc tế và tính thời đại sâu sắc. Kể từ đây, dân tộc Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên CNXH.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã tập trung cao độ trí lực, tài năng và sự đồng lòng cùng với quyết tâm cao để ra sức khắc phục hậu quả của cuộc chiến, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, tạo dựng cuộc sống thanh bình trên phạm vi cả nước, đồng thời nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.

Cùng cả nước, TPHCM luôn đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN - Ảnh: UBVK.HCMcity

40 năm sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta đã tiến những bước vững chãi và rất đáng tự hào. Từ một đất nước còn quá nghèo khó và thiếu thốn trăm bề sau chiến tranh, với 30 năm không ngừng đổi mới, hình ảnh một nước Việt Nam hòa bình, thân thiện và ngày một phát triển, đang dần định hình trong mắt bè bạn năm châu. Từ chỗ thiếu ăn và phải trông chờ vào sự hỗ trợ bên ngoài, chúng ta vươn lên thành một quốc gia đang phát triển, có tiềm năng xuất khẩu gạo và các loại nông sản, thủy hải sản. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên. GDP tăng gấp 7 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng 200 lần. Thu nhập đầu người năm 2015 khoảng 2.200 đô la. Cơ sở hạ tầng phát triển khá nhanh chóng. Mạng lưới giao thông quốc gia với nhiều công trình hiện đại vươn tới các vùng miền, tạo ra diện mạo mới cho đất nước. Bên cạnh đó là sự tiến bộ và công bằng xã hội, văn hóa giáo dục, y tế không ngừng phát triển, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Chương trình xóa đói giảm nghèo đạt được thành tựu lớn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, chỉ còn dưới 6%. Cả nước có 98% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuổi thọ bình quân của người dân tăng trung bình từ 64,8 tuổi năm 1986, lên 73,5 tuổi năm 2015 và mới đây, nước ta chính thức hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc.

Bên cạnh đó, quốc phòng an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được ổn định. Cũng cần nói thêm là trong 40 năm xây dựng đất nước, chúng ta vẫn luôn đề cao cảnh giác, bởi vẫn phải đương đầu trước những mối đe dọa bên ngoài: chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc, những tranh chấp ngoài biển Đông… Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chú trọng và đẩy mạnh. Hiện nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia và vùng, lãnh thổ; có hơn 18.200 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài với tổng vốn khoảng 260 tỷ đô-la. Quan trọng hơn là sau 4 thập kỷ phát triển, uy tín và địa vị của VN ngày một tăng cao trên trường quốc tế.

Chúng ta có một Đảng cầm quyền với bề dày 85 năm lãnh đạo đất nước; Một Nhà nước pháp quyền với hệ thống luật pháp ngày càng hoàn thiện; Hệ thống chính trị rộng khắp, thể hiện sự dân chủ và công bằng xã hội, được người dân ngày một tin tưởng; Có khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh to lớn; Có lực lượng an ninh, quân đội hùng mạnh, từ nhân dân mà ra, trưởng thành từ nhân dân và vì nhân dân mà phục vụ…

Hoàn toàn có thể tự hào nhìn nhận, 70 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển- thực sự là một cuộc đổi đời của đất nước ta. VN có những bước tiến khá dài và đáng khâm phục. Những thành tựu đạt được chính là cơ sở để chúng ta tiếp tục tự tin, sải những bước xa hơn và vững chắc hơn. Vậy nhưng, trước bao nguy cơ đến từ bên ngoài, trước những biến động khó lường của khu vực và thế giới hiện nay, lại càng nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo và sáng suốt để có những động thái cần thiết, giữ yên bờ cõi, bảo vệ nguyên vẹn chủ quyền quốc gia, bảo vệ thành quả của cách mạng mà 70 năm qua, bằng máu xương của bao thế hệ, chúng ta mới giành được và dày công gìn giữ.

Thiết nghĩ, để xây dựng thành công một xã hội phồn vinh, tươi đẹp và vững bền, rất cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc bài trừ tham nhũng, ổn định trật tự xã hội và lành mạnh hóa đời sống xã hội. Tin rằng, với những thành tựu của 70 năm xây dựng và bảo vệ tổ quốc, với khát vọng hòa bình của một dân tộc có bề dày truyền thống dựng nước và giữ nước, nhất định Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trên con đường đi lên ấm no, hạnh phúc.