Xác nhận những mục tiêu chiến lược để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(VOH) – Ngày 13/8, Phiên họp lần thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn ở 2 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thứ hai, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là các Thành phố lớn, khu công nghệ. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế.

Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.  

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu khi đặt câu hỏi cần “hỏi nhanh-đáp gọn” để tiết kiệm thời gian cho nhiều đại biểu khác cùng đặt câu hỏi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi: “Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc rất cao. Cứ 3 người đồng bào dân tộc thiểu số thì có một người nghèo, 2 người nghèo của cả nước thì có 1 người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp so với bình quân chung cả nước. Có nơi chỉ bằng 1/3 bình quân thu nhập của cả nước.

Đây chính là một nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số với các dân tộc khác.

Tôi xin gửi đến Bộ trưởng một câu hỏi, đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc miền núi, giải pháp của Ủy ban Dân tộc như thế nào để chúng ta khắc phục tình trạng này?”

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Đỗ Văn Chiến giải thích: “Số hộ nghèo cả nước cuối năm rồi là trên 1,6 triệu người. Trong đó hộ dân tộc thiểu số nghèo chiếm 52,6%. Bản thân tôi cũng tích cực tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ ngành để tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Đáng kể nhất, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư tham mưu Thủ tướng ban hành Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chính sách này nhằm giải quyết 4 vấn đề: Giải quyết căn bản, hỗ trợ cho đồng bào về đất ở; Hỗ trợ cho đồng bào về đất sản xuất; Hỗ trợ cho đồng bào nước sinh hoạt; Vay vốn ữu đãi phát triển sản xuất. Chúng tôi cũng hy vọng, với những giải pháp như vậy cũng đỡ được phần nào.”

Đại biểu Y Nhàn, đoàn Kon Tum chất vấn: “Thời gian qua, nhờ chính sách đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng kỹ thuật miền núi đã được cải thiện một bước. Tuy nhiên, nhiều nơi cơ sở thiết yếu còn chưa đầu đủ và đồng bộ, nhất là giao thông, cầu dân sinh, nước sinh hoạt ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, gây nhiều khó khăn với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Với vai trò Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng có những giải pháp gì để khắc tình trạng trên ?”

Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho hay: “Chúng tôi tính ra có 6 giải pháp. Thứ nhất là phát triển hạ thống kinh tế xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, thông tin kết nối vùng dân tộc thiểu số với vùng động lực phát triển, đây là điều hết sức quan trọng.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thứ ba, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, quan trọng nhất là ổn định dân cư, tạo sinh kế; Giải quyết đất sản xuất, nước sinh hoạt, đất ở để đồng bào ổn định; Hỗ trợ khởi sự kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm mà bà con làm ra.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền vận động, thuyết phục bà con để họ tự hào về nguồn cội của mình, tự tin có thể làm được nhiều việc, tự lực để phát huy nội lực của mình, tự vươn lên, chứ không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”.

Cũng liên quan đến vấn đề dân tộc, đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chất vấn đến lĩnh vực giáo dục. Theo đại biểu, tỷ lệ mù chữ hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 90% nhưng số này liệu có chính xác ?

Đặc biệt, đối với việc đổi mới sách giáo khoa, thực trạng cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ nhân lực hiện có liệu có hoàn thành được sứ mệnh đổi mới của hệ thống giáo dục.

“Về sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục chưa trả lời về nội dung này. Tôi rất lo, trong điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ và trình độ học vấn của các em không đồng đều như thế thì với bộ sách mới áp vào vùng như thế thì tôi cũng chưa thấy Bộ trưởng nêu vấn đề này.

Đặc biệt, nguồn lực ở các vùng dân tộc thiểu số ai cũng biết, hệ thống trường lớp ở đây còn hạn chế, giai đoạn trước chúng ta đã đầu tư nhưng vẫn thiếu. Tôi cũng muốn Bộ trưởng chia sẻ thêm.” - đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho biết.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay: đây là thực tế diễn ra ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, biên chế giáo viên ở mỗi lớp tại các tỉnh miền núi rất khó khăn, thậm chí là thiếu nhưng vẫn không thu hút được giáo viên.

Đối với tình trạng mù chũ, Bộ trưởng nhìn nhận tình trạng tái mù là có, sắp tới, Bộ sẽ chú trọng giáo dục song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc để hiệu quả cải cách đạt mục tiêu.

Toàn cảnh hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Toàn cảnh hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp 26 của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho hay: “Đúng là tỷ lệ mù chữ, cách đây 8 năm, số lượng thống kê như vậy nhưng cách đây 3 năm chúng tôi có khảo sát sơ bộ và thấy tỷ lệ tái mù gia tăng. Số liệu như đại biểu nêu là đúng và chúng tôi đang rà soát lại để nắm được số thật về tỷ lệ mù chữ và tái mù để có giải pháp phù hợp.”

“Thứ hai, về sách giáo khoa, điều kiện thực hiện chương trình đổi mới không chỉ khó đối với đồng bào dân tộc mà với rất nhiều địa phương. Khi thay đổi chương trình, từ cách tiếp cận kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, phương pháp để thực hiện chương trình này cần có sự chuẩn bị đồng bộ cả về giáo viên, cơ sở vật chất.

Đối với các tỉnh miền núi thì đúng là khó khăn hơn rất nhiều nên chúng tôi có tính toán, có chương trình hỗ trợ ADB2 - chương trình về sách giáo khoa địa phương. Một mặt là sách giáo khoa phổ thông sẽ bao gồm, 80% cơ bản, 20% còn lại là chương trình địa phương.

Mặt khác, Bộ cũng biên soạn những tài liệu phù hợp với dân tộc, trong đó có ít nhất có 8 thứ tiếng cơ bản mà chúng tôi đang thực hiện. Đây là vấn đề khó những Bộ cũng sẽ cố gắng để thực hiện.”

Đây là lần đầu tiên, Quốc hội chọn nội dung chất vấn ở nhóm chủ đề về dân tộc và việc thực hiến các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự kiến, trong kỳ họp thứ 6 sắp tới, Quốc hội sẽ chọn vấn đề dân tộc để giám sát thực hiện, chính vì vậy, nội dung này được nhiều đại biểu chất vấn sôi nổi.

Các bộ ngành liên quan cũng được Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ định phối hợp trả lời.