Xâm nhập mặn ngày càng phức tạp hơn

(VOH) - Từ sau tết Nguyên đán đến nay, xâm nhập mặn ở các tỉnh Nam Bộ và TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, độ mặn trên các cửa sông như: sông Sài Gòn - Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu...đang tăng cao và đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 40- 60km. Trước những diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn, hiện nay, nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là các khu vực ven biển đã chủ động ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra. Theo ghi nhận, trong những vùng bị nước mặn xâm nhập đã ảnh hưởng đến hàng ngàn hécta lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Những nơi gần biển đã thiếu nước ngọt, người dân phải đổi nước sinh hoạt với giá cao.

Cán bộ Xí nghiệp Thủy nông huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) kiểm tra độ mặn tại cống Trà Cú. ảnh: QĐND

Tại tỉnh Bến Tre, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, độ mặn 4 phần ngàn đã xâm nhập sâu trên các sông Cổ Chiên, Cửa Đại, Hàm Luông và vào sâu trong đất liền khoảng 50km. Dự báo, trong những ngày tới, nước mặn tiếp tục lấn sâu thêm, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều hộ dân ở huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm,...Theo đó thì tỉnh đang thiếu nước ngọt trầm trọng gây khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt. Mặc dù tỉnh có kế hoạch trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân từ nhiều tháng nay, nhưng do nước mặn xâm nhập sớm và lên cao bất thường, trong khi nước từ thượng nguồn đổ về giảm khiến nhiều xã ven biển thiếu nước ngọt sinh hoạt. Bà Trần Thị Sang ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại- một gia đình có 5 nhân khẩu lo lắng:



Nhằm chủ động về nước ngọt trong mùa khô năm nay, vừa qua tỉnh Bến Tre đã cấp hơn 2.600 bồn chứa nước ngọt loại 500 lít cho các hộ nghèo; đồng thời xây mới và nâng công suất nhiều nhà máy cấp nước nhưng tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt tại các xã ven biển vẫn chưa được cải thiện. Ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho hay vào thời điểm này, độ mặn đo được tại hai cửa sông lớn của tỉnh là Định An và Trần Đề đã vượt mức 14 phần ngàn. Tại xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, xã Thạnh Phú huyện Mỹ Xuyên, độ mặn cũng dao động khoảng 4 phần ngàn. Xâm nhập mặn đã vào sâu trong các cửa sông ảnh hưởng hơn 100.000 ngàn hécta trà lúa xuân hè của nông dân các huyện Trần Đề, Long Phú, Kế Sách, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Ngã Năm,
...có khả năng bị chết. Đối phó với xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã cho đóng các cống ngăn mặn nằm dọc theo sông Hậu. Tuy nhiên, nước trên các con sông nội đồng trong tỉnh đã bị nhiễm nặm nên bà con không thể bơm vào đồng ruộng. Về khó khăn và hướng ứng phó của địa phương, Ông Quách Văn Nam nhấn mạnh:



Cùng với Bến Tre, Sóc Trăng, tại tỉnh Tiền Giang, tình trạng nước mặn đã ảnh hưởng đến diện tích lúa đông xuân đang trong giai đoạn trổ của nông dân xã Bình Nghị, Tân Điền, Tân Thành, Phước Trung của huyện Gò Công Đông và các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công,…Do ngoài sông Tiền nước mặn đến sớm nên các cống thủy lợi đã đóng kín để chống nước mặn xâm nhập làm cho nhiều con kênh trong nội đồng thiếu nước ngọt và đang khô cạn dần. Để cứu lúa, nông dân phải bơm chuyền nước từ kênh lớn vào kênh nội đồng để bơm vào đồng ruộng. Tỉnh Trà Vinh cũng khó khăn trong việc đối phó với xâm nhập mặn. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện 2 cống nằm sâu trong đất liền nhất của tỉnh là Rạch Rum - phía sông Hậu và Cái Hớp- phía sông Cổ Chiên cách biển hơn 50 km nhưng độ mặn đã đạt lên trên 4 phần ngàn. Toàn tỉnh đang bị nước mặn bao vây và vượt ngưỡng mặn đối với các loại cây trồng, đặc biệt có hơn 10.000 hécta lúa đông xuân ngoài kế hoạch tại huyện Trà Cú chỉ mới trổ. Ông Đoàn Tấn Triều, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết hiện các cống ngăn mặn đã được đóng kín chỉ vận hành hạn chế 2 cống thượng nguồn để lấy nước ngọt từ phía tỉnh Vĩnh Long về phục vụ sản xuất. Điều đáng lo ngại là bên ngoài 2 cống này độ mặn cũng tăng rất nhanh. Ông Đoàn Tấn Triều cho biết thêm:



Cùng với các tỉnh phải đối phó với xâm nhập mặn thì tại TP.HCM, trên sông Sài Gòn cũng bị nước mặn xâm nhập khá nặng. Nhà máy nước Tân Hiệp phải kiến nghị Hồ Dầu Tiếng- Phước Hòa xả nước đẩy mặn trên sông để lấy nước cung cấp cho người dân TP.HCM. Qua ghi nhận trên đây cho thấy, năm nay tình hình hạn mặn sẽ gay gắt hơn mọi năm. Các tỉnh, thành sẽ phải tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp ngăn mặn; tập trung thi công các công trình thủy lợi để tích nước ngọt phục vụ sản xuất, khuyến cáo người dân có các giải pháp trữ ngọt nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt tốt nhất trong mùa khô năm nay./.