Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn chặt chẽ với cải cách hành chính

(VOH) - Sáng 23/7, Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.

Kết quả tại hội nghị cho biết việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt đã có chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong thời gian qua, TPHCM luôn là đơn vị đồng hành cùng với Văn phòng Chính phủ trong việc triển khai liên thông kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia. Đến nay, hệ thống Quản lý văn bản của TPHCM đã liên thông kết nối với các đơn vị trong hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM cho rằng: Việc triển khai liên thông văn bản điện tử đã mang lại hiệu quả tích cực trong xử lý công việc của thành phố như việc tiếp nhận và xử lý văn bản giữa các cơ quan nhà nước được nhanh chóng và thuận lợi hơn; tiết kiệm chi phí trong việc gởi văn bản qua bưu điện.

Việc theo dõi và giám sát việc xử lý thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố được sát sao và có hệ thống hơn. Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện gửi và nhận văn bản điện tử trên phạm vi toàn thành phố đã được thực hiện từ cuối năm 2014. Tính đến nay, đã triển khai liên thông kết nối 760 đơn vị trên địa bàn thành phố, bao gồm các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. Tính đến nay đã có hơn 4,4 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận qua trục liên thông của thành phố.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM, phát biểu tại điểm cầu TPHCM

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết từ nay đến năm 2020, TPHCM chỉ đạo nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, thông qua phối hợp các doanh nghiệp thí điểm thực hiện mạng 5G, để nâng cấp mạng thông tin của TP, TP xây dựng đề án xây dựng mạng riêng để triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Xây dựng trung tâm an toàn thông tin, đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép TP xây dựng thí điểm đề án số hóa toàn TP, thứ hai là thực hiện nghị quyết 17 của Chính phủ.

Tại thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, trọng tâm là xây dựng chính phủ điện tử; Triển khai đồng bộ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành theo hướng tập trung, tích hợp tại Trung tâm dữ liệu, từng bước hình thành dữ liệu lớn, đảm bảo sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định.

Để đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử trong thời gian tới, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia được giao tại Quyết định số 714 ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các địa phương và mong muốn các Bộ ngành Trung ương sớm triển khai phần mềm chuyên ngành sử dụng chung từ Bộ, ngành đến địa phương đến tận cơ sở để thống nhất thực hiện trong cả nước.

Về triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết: việc cung cấp dịch vụ cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân; Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, được xây dựng trên nền tảng dữ liệu mở nhằm thực hiện công khai thông tin, dữ liệu về tài chính, ngân sách cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, có 100% cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử, hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử.

“Hiện nay Bộ Tài Chính đã triển khai và đáp ứng cơ bản trục liên thông văn bản quốc gia, quản lý văn bản điện tử vì trước đây Bộ Tài chính đã triển khai trước, theo chương trình IDoSCT. Để nâng cấp và phát triển lâu dài và hiện đại theo hướng mới, tích hợp và kết nối với các Bộ ngành, văn phòng Chính phủ thì đòi hỏi nâng cấp thì chúng tôi sẽ chủ động trao đổi với văn phòng Chính phủ để thực hiện", bà Vũ Thị Mai cho biết.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, xây dựng chính phủ điện tử phải gắn chặt chẽ với cải cách hành chính, không chỉ để hiện đại hóa nền hành chính theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin mà còn từng bước hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy hành chính, cải cách chất lượng phục vụ nhân dân. Do vậy, các Bộ ngành, địa phương cần tập trung nâng cấp chất lượng dịch vụ một cửa điện tử, gắn với bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, có sự kết nối với cổng điện tử quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm khách quan, minh bạch.

“Các Bộ ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành quy trình nội bộ giải quyết từng thủ tục hành chính, trước khi xây dựng quy trình điện tử, trên hệ thống thông tin một cửa điện tử. Quy trình nội bộ phải được rà soát tính toán, bảo đảm tính khoa học, chi tiết, cụ thể, bảo đảm sự thống nhất trong địa phương, làm cơ sở theo dõi đánh giá, giải quyết thủ tục hành chính có hiệu quả”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị. 

Đánh giá kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của các Bộ ngành, địa phương về xây dựng Chính phủ điện, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: việc xây dựng chính phủ điện tử là nhu cầu phát triển cần phải làm thiết thực, không hình thức, các Bộ ngành, địa phương cần tập trung chủ động, tăng tốc thực hiện nhiệm vụ. Tập trung sớm đưa vào cổng thông tin điện tử, trục liên thông, hoàn chỉnh dịch vụ công trực tuyến, kết nối chia sẻ dữ liệu dịch vụ công quốc gia, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông. Trong đó, tiếp tục chú ý đến vấn đề an toàn, an ninh khi thực hiện Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Những gì đã có, đã phát triển, đang chạy tốt phải liên thông lại, những gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư và thuê dịch vụ của nền tảng này. Đây là quan điểm mới mang tính đột phá cho giai đoạn tới của Chính phủ điện tử. Giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đề xuất các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử, phương án đầu tư hay thuê dịch vụ trình Thủ tướng phê duyệt để tránh lãng phí. Về nhiệm vụ trọng tâm cần chú ý đến việc thiết kế các quy trình cung cấp dịch vụ công, để phù hợp đưa lên trực tuyến, ưu tiên làm trước các dịch vụ thiết yếu..

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ văn thư, lưu trữ để bảo đảm văn bản gửi trên Trục liên thông văn bản quốc gia đúng thể thức, đúng thẩm quyền, giá trị pháp lý, đầy đủ nội dung đính kèm và tuân thủ về thời gian gửi, nhận văn bản; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tin tức tai nạn giao thông hôm nay 23/7/2019: Tông vào xe tải dừng trên dốc cầu, 1 người tử vong – Trong lúc điều khiển xe lên cầu, do thiếu quan sát nên tông vào đuôi xe tải dẫn đến tử vong.
Kiến nghị Trung ương bổ sung hình thức chế tài trong hoạt động khai thác cát trái phép - Từ nay đến cuối năm 2019, cơ quan chức năng sẽ mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp hành vi khai thác cát trái phép tại các điểm nóng trên địa bàn TPHCM.