Xây dựng môi trường làm việc “sạch”!

(VOH) - Bộ luật lao động sửa đổi năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01/5/2013 có đề cập đến nội dung quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tại khoản 2 điều 8 nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ở mục C khoản 1 điều 37 quy định người lao động bị quấy rối tình dục có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong khi chờ đợi văn bản hướng dẫn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phòng ngừa quấy rối tình dục tại nơi làm việc để cải thiện môi trường lao động an toàn, lành mạnh, hiệu quả và góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp trên thương trường. Theo đó, cách thức xây dựng môi trường làm việc “sạch” được nhiều công ty áp dụng đó là đưa quy định phòng chống quấy rối tình dục vào nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể. Xây dựng chính sách nội bộ của doanh nghiệp về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người lao động.

Công ty TNHH Đông Phương Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài hiện có 6.000 lao động, trong đó  trên 70% là lao động nữ. Nhiều năm trở lại đây, ngoài việc thực hiện tốt chính sách về lao động nữ công ty đã xây dựng chính sách không quấy rối và xúc phạm dưới bất kỳ hình thức nào liên quan đến thân thể, lời nói, tâm lý và tình dục của người lao động.

Đây là chính sách tôn trọng nhân phẩm của mỗi cá nhân trong tập thể người lao động, đặc biệt là đối với lao động nữ. Nếu vi phạm quy định nội bộ của công ty về phòng chống quấy rối tình dục, quấy rối và lạm dụng sẽ bị kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng hoặc bị cách chức. Để chính sách này thực thi có hiệu quả, từ cán bộ lãnh đạo cấp cao trong công ty và người lao động phải cùng trải qua những đợt tập huấn và cam kết thực hiện.

Cho đến thời điểm này, đây chính là giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả lớn trong xây dựng văn hóa của doanh nghiệp. Ông Võ Văn Minh Thủy - Phó Tổng giám đốc Quan hệ lao động của công ty cho biết: 

 



Còn công ty TNHH Đỉnh Vàng thì ghi rõ trong thỏa ước lao động tập thể nội dung về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc: “Người lao động làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng hoặc hợp đồng mùa vụ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động”.

Trong chính sách chống quấy rối xúc phạm của công ty cũng đã nêu rõ khái niệm về quấy rối tình dục: “Quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục, làm ảnh hưởng đến nhân phẩm của phụ nữ và nam giới mà không được người nhận hành vi đó mong muốn, gây ra sự khó chịu cho họ”. 

Không chỉ quy định rõ cấm quấy rối tình dục vào nội quy lao động và thỏa ước tập thể, công ty còn thành lập hẳn một ban chỉ đạo về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ban chỉ đạo này làm việc độc lập kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.

Còn trong chính sách chống quấy rối và xúc phạm của Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú thì nêu rõ hình thức kỷ luật đối với các hành vi vi phạm quấy rối tình dục: "Dù là cấp quản lý, trưởng bộ phận hay nhân viên, nếu vi phạm nội quy trên sẽ bị kỷ luật theo mức độ từ khiển trách đến sa thải”. Với hình thức xử lý nghiêm như trên toàn thể tập thể người lao động tại công ty đã nâng cao hơn ý thức phòng chống.

Theo kinh nghiệm của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, để xây dựng môi trường làm việc sạch, không có quấy rối tình dục yếu tố quan trọng là tăng cường công tác truyền tải thông tin đến người lao động. Công ty đã thực hiện lồng ghép, giới thiệu nội dung về phòng chống quấy rối tình dục vào các buổi đào tạo chuyên đề cho cán bộ quản lý cấp trung. Những cán bộ này sẽ phổ biến lại cho người lao động thuộc sự quản lý của mình.

Song song đó là đào tạo một lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt và thực hiện các buổi truyền thông nhóm nhỏ từ 7-12 người. Hình thức truyền thông này có thể thực hiện bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào và bằng thực tế những tình huống xảy ra tại chính nhà máy sẽ giúp mang lại hiệu quả lâu dài. Bởi vì ở một công ty có số lao động lên đến 20.000 người, nếu không tăng cường công tác tuyên truyền thì sẽ không tạo được một môi trường lao động an toàn. Ông Trần Tuấn Kỳ - Chuyên viên Phòng Công đoàn Công ty Pouchen Việt Nam cho biết thêm:    




Theo khảo sát của tổ chức lao động quốc tế ILO tại Việt Nam, những doanh nghiệp chủ động xây dựng chính sách phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là những nơi có một môi trường lao động rất an toàn, rất lành mạnh và rất “sạch”.

Bà Nguyễn Phương Lan - Điều phối viên Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới và việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam cho rằng, việc đưa chính sách không chỉ là sự cam kết của chủ sử dụng lao động với người lao động mà còn là sự cam kết với cả đối tác của doanh nghiệp.



Cái lợi mà doanh nghiệp đạt được khi xây dựng chính sách phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc đó là ngày càng khẳng định được thương hiệu và sự phát triển của mình khi tham gia ký kết làm ăn với các đối tác trên thị trường và tránh được những thiệt hại và rắc rối phát sinh khi để xảy ra tình trạng quấy rối. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam khẳng định:




Rõ ràng với cách làm của các doanh nghiệp đã góp phần tôn trọng vai trò và nhân phẩm của tập thể người lao động, góp phần xây dựng một môi trường làm việc sạch, an toàn trên tinh thần nâng cao ý thức, tự nguyện. Tất cả vì nét văn hóa và vì sự phát triển của doanh nghiệp. Thiết nghĩ đây sẽ là bài học kinh nghiệm quý báo cho nhiều doanh nghiệp trong quá trình tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.