Xây dựng sân bay Long Thành: Lo chuyện đội vốn, định cư cho người dân

(VOH) - Chiều ngày 1/6, các đại biểu nghe báo cáo tờ trình của Chính phủ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng trình bày báo cáo thẩm tra này, trên cơ sở đó, các đại biểu có buổi thảo luận ở tổ để cho ý kiến về vấn đề này.

Theo phương án tổng thể mà Bộ Giao thông vận tải lập, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích thu hồi khoảng 5.000 ha, nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, đất để xây dựng hai khu tái định cư là khoảng 564ha. Tất cả đều dự tính thu hồi và đền bù một lần.

Quy mô của dự án được xác định có công suất vận tải 100 triệu hành khách/năm; cùng với đó là 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Phần lớn các đại biểu đều đồng tình với việc tách riêng thành dự án thành phần bồi thường hỗ trợ, tái định cư. Nhưng theo đại biểu Nguyễn Việt Thắng, đoàn Bến Tre, vấn đề khiến ông băn khoăn là ngoài nguồn vốn lấy từ đâu ra, cũng đề nghị Chính phủ trả lời câu hỏi: cơ sở nào để khẳng định sân bay Long Thành sẽ trở thành điểm trung chuyển của hàng không khu vực? Theo ông, khi chúng ta làm được sân bay trung chuyển quốc tế thì các sân bay quốc tế khác đã nâng cấp lên mấy chục lần.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thảo luận ở Tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chiều 1/6.

Phải đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất

Theo báo cáo ban đầu, có trên 4.700 hộ gia đình, cá nhân và 26 tổ chức bị thu hồi đất cho dự án với khoảng 4.000 căn nhà và gần 3.350 công trình khác…Khái toán đền bù cho việc thu hồi diện tích đất này so với hồi lập quy hoạch xây dựng từ năm 2005 đến nay liên tục "nhảy múa" cũng là điều khiến các đại biểu tâm tư.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Bình Thuận bày tỏ: Chính phủ nên lập báo cáo nghiên cứu khả thi và các nguồn lực để thực hiện, đảm bảo công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ tư. Nếu mình kéo dài dự án này thì sẽ làm đội lên, tăng lên kinh phí đền bù giải tỏa. Lúc ra ban hành năm 2015 chỉ có 18.000 tỷ nhưng đến thời điểm này lên 23 ngàn tỷ.

Để đẩy nhanh tốc độ xây dựng sân bay Long Thanh và đảm bảo sự minh bạch trong việc đầu tư, giải tỏa đền bù thì cần phải đảm bảo người dân được hưởng lợi một cách hợp lý trong công tác này.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn TPHCM cũng đề nghị việc tái định cư để đảm bảo quyền lợi của 4.700 hộ dân, cũng cần phải giám sát chặt chẽ theo hướng tốt nhất cho dân. Nơi ở thôi chưa đủ mà còn tạo công ăn việc làm, lo việc học hành cho con cái và còn bao nhiêu mối quan hệ khác.

Tách riêng dự án thành phần, chia làm nhiều giao đoạn

Cũng bày tỏ lo ngại về nguồn vốn, đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TPHCM tán thành việc tách riêng dự án thành phần nhưng đề nghị trước khi tiến hành phải có sự đồng ý về mặt chủ trương của Quốc Hội để làm sao đảm bảo khi tách ra phải làm nhanh, tránh đội chi phí đền bù, giải tỏa như trong thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Đồng tình với chia sẻ của các ý kiến trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TPHCM cũng đề nghị Chính phủ phải chia ra nhiều giai đoạn và mỗi một giai đoạn như vậy Quốc hội khóa 13 quyết giai đoạn nào; Quốc hội khóa 14 quyết giai đoạn nào; Quốc hội khóa 15, 16, 17… Đối với quá trình xây dựng sân bay Long Thành có thể kéo dài 10 năm, 15 năm và tầm nhìn tôi thấy trên 25 năm nên đề nghị khi thông qua phải ghi rõ là từng giai đoạn một.

Tiếp tục chương trình làm việc của mình, hôm nay (02/6), Quốc hội sẽ nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Buổi chiều, các đại biểu sẽ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, sau đó sẽ thảo luận nội dung này ở hội trường.