"Xin đừng đặt dấu chấm hết cho người còn sống"! 

(VOH) - “Xin đừng đặt dấu chấm hết cho người còn sống!”- Đó là câu nói của một phụ nữ nhiễm HIV chia sẻ trong chương trình "Đêm hội ngộ - Cảm xúc 30 năm".

Năm 2020 đánh dấu cột mốc 30 năm kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện. Cảm xúc 30 năm là chiến dịch được tổ chức  với mục đích nhìn lại quãng đường cùng đồng hành bước tiếp đến tương lai với mục tiêu “Chấm dứt AIDS tại Việt Nam” vào năm 2030, đích đến mà tất cả những con người, nhiều tập thể đều mong đợi trong những năm qua. Đây là hoạt động hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và nhân ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12) do Hội phòng chống HIV/AIDS TPHCM, Câu lạc bộ Bầu Trời Xanh, Phòng khám Nhà Mình tổ chức.

Trong chuỗi hoạt động của chiến dịch Cảm xúc 30 năm thì chương trình đặc biệt Đêm hội ngộ Cảm xúc 30 năm mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người tham dự vì chính những kỷ vật của người có H mang đến triển lãm của chương trình.

Anh Nguyễn Anh Phong - Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, trưởng Ban Tổ chức chiến dịch “Cảm xúc 30 năm” cho biết: “Chúng tôi mong muốn lan tỏa đến mọi người đặc biệt là cộng đồng người nhiễm HIV mong muốn các bạn tuân thủ điều trị, sống tốt, các bạn không lẻ loi. Với những người có hành vi nguy cơ cao, chúng tôi mong các bạn xét nghiệm sớm, điều trị sớm thì sẽ không còn trường hợp tử vong vì nhiễm trùng cơ hội. Còn với cộng đồng, chúng tôi mong mọi người cùng dang rộng vòng tay, hiểu và chia sẻ với người HIV vì đó là động lực giúp cộng đồng người sống với HIV vượt qua, sống tốt hơn”.

Đêm hội ngộ - Cảm xúc 30 năm diễn ra tối 29/11 tại TP HCM

Triển lãm Đêm hội ngộ - Cảm xúc 30 năm giới thiệu đến công chúng hơn 30 vật phẩm gắn liền với những câu chuyện của người có H như: Giấy xét nghiệm, bình sữa, ghế bố, sổ khám bệnh, nồi cơm điện, cặp nhẫn, thẻ bảo hiểm y tế, bông gòn, chai thủy tinh, cái kéo… mỗi vật phẩm ẩn chứa một câu chuyện buồn nhưng không hề u ám mà nó mở ra những điều tươi mới, những suy nghĩ tích cực cho những người đang có H và không có H. Bạn Nguyễn Thị Mỹ Duyên - một thanh niên đến tham dự chương trình xúc động cho biết: “Với các câu chuyện từ anh chị có H chia sẻ trong chương trình đã truyền thêm cảm hứng sống cho tôi, tại sao họ có thể vui sống, tràn đầy năng lượng như vậy mà mình thì lại không bằng họ. Chính vì thế tôi mong muốn tất cả chúng ta hãy đối xử với họ như những người bình thường và tạo điều kiện để họ được là chính  mình”.

Khách tham quan triển lãm các Vật phẩm của người sống chung với HIV

“Em làm mẹ không thành, nghĩ cũng xấu hổ với con mình, người ta cho con bú mẹ thiêng liêng lắm còn em thì việc đơn giản đó cũng làm không tròn trách nhiệm. Nghĩ đến lời bác sĩ dặn đi dặn lại là phải cho bé bú bình để bảo vệ con tốt nhất thì lòng đau nhói. Cũng may ông trời nghe được tiếng lòng nên bé âm tính”. Đó là tâm sự của một người mẹ dương tính không thể cho con bú sữa của mình đã để lại ấn tượng với nhiều người tham dự chương trình. NSƯT Trịnh Kim Chi xúc động khi thấy vật phẩm bình sữa: “Vật phẩm bình sữa làm tôi nhói trong tim cùng với câu chuyện của người mẹ và con mình. Gắn bó với những hoạt động cùng người có H được 4 năm và với vai trò của mình, tôi nghĩ mình cần phải thực hiện tốt hơn nữa trong câu chuyện truyền thông để mọi người hiểu về căn bệnh này và tránh xa sự kỳ thị người có H”.

Vật phẩm Bình sữa và câu chuyện của người mẹ

Triển lãm “Đêm hội ngộ - Cảm xúc 30” bắt đầu bằng tờ giấy xét nghiệm bởi vì tờ giấy xét nghiệm HIV là cánh cửa bước ngoặc bắt đầu những biến cố trong cuộc đời người nhiễm HIV và kết thúc là đống hủ thuốc, thể hiện người nhiễm HIV phải uống bao nhiêu đó thuốc trong suốt nhiều năm và thậm chí họ sẽ uống suốt đời để có thể sống.

Triển lãm lần này là tiếng nói của cộng đồng người có H, là những câu chuyện do chính họ chia sẻ, điều đó cho thấy rằng họ đã chấp nhận xuất hiện hình ảnh của mình và lấy đó làm động lực, tấm gương nghị lực cho nhiều người khác. Người có H phải tự tin vào mình và tuân thủ các liệu trình điều trị bằng thuốc ARV để bảo vệ mình và cộng đồng. Đó cũng chính là suy nghĩ của chị B một người có H tham dự chương trình, chị chia sẻ: “Một trong những điều dẫn đến sự kỳ thị là người ta sợ với lí do là người ta không hiểu đúng, đủ về HIV. Tôi mong truyền thông sẽ đến gần hơn với mọi người để họ hiểu và mở rộng tấm lòng với người có H, để người có H được sống như những người bình thường”.

Một số hình ảnh Vật phẩm trong triển lãm Đêm hội ngộ. 

Dù hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng thực tế, đâu đó trong xã hội vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử làm tổn thương đến người có H. Với mục tiêu “chấm dứt AIDS tại Việt Nam” vào năm 2030, ngay từ bây giờ, cần lắm sự chung tay của tất cả chúng ta để hiểu đúng về nguy cơ lây nhiễm H, xóa tan sự kỳ thị người có H, thêm cơ hội sống cho những người có H và đừng bao giờ đặt dấu chấm hết cho người còn sống!