Xử lí mại dâm: Cần ngăn chặn cả “cung” lẫn “cầu”

(VOH) - Sáng 7/8, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo khu vực phía Nam với chủ đề “Can thiệp trong giảm, phòng, chống mại dâm” với sự tham gia của thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy mại dâm, Sở Lao động - Thương binh và xã hội của các tỉnh, thành khu vực phía Nam cùng đại diện tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm, ma túy.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các chính sách về phòng, chống mại dâm trong giai đoạn tới. Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, mại dâm đang có những biến tướng phức tạp, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chính vì vậy, ông Đỗ Mạnh Hùng khẳng định:

Qua khảo sát, tệ nạn mại dâm trong cả nước nói chung và ở khu vực phía Nam nói riêng ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều biến tướng. Riêng tại khu vực phía Nam, mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có chiều hướng chuyển từ “trá hình” sang công khai, nam giới bán dâm xuất hiện ngày càng phổ biến, trong đó có cả thành phần xuất thân chủ yếu từ các nước gốc Phi. Mại dâm và quan hệ tình dục không an toàn đang là nguy cơ tăng tỷ lệ người lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền khác.


Lực lượng chức năng kiểm tra một quán bar vi phạm tại TP.HCM - Ảnh minh họa.

Năm 2012, Việt Nam ghi nhận số người nhiễm HIV qua đường tình dục cao hơn qua đường máu, trong đó ở khu vực Tây Nam bộ cao nhất cả nước với tỷ lệ gần 80%. Riêng tại TP.HCM đã xác định có 65 tụ điểm, tuyến đường có hoạt động mại dâm, trong đó có gần 30 điểm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Ông Chu Quốc Ân - Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế đã đưa ra số liệu số người nhiễm HIV mới trong vòng 5 tháng qua của năm 2013 so với năm 2012, tuy có giảm nhưng số người nhiễm HIV được phát hiện vẫn còn nhiều, mức độ bán dâm bị nhiễm HIV ngày càng tăng, đặt ra nhiều vấn đề báo động.

Còn ông Phạm Ngọc Dũng - Phó trưởng Phòng Chính sách, Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, hiện có một số hành vi vi phạm pháp luật về mại dâm chưa được quy định tại Bộ luật Hình sự, muốn ngăn chặn tệ nạn mại dâm cần phải ngăn chặn cả “cung” lẫn “cầu”. Bên cạnh đó ông Phạm Ngọc Dũng cũng cho biết thêm:

Đúng như những gì ông Phạm Ngọc Dũng vừa cho biết, công tác phòng, chống mại dâm đã bộc lộ những hạn chế nhất định, đó là chưa phù hợp với từng nhóm dân cư khác nhau, chưa chú trọng về địa bàn vùng sâu, vùng xa; công tác thanh, kiểm tra chưa theo kịp tình hình, thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, nhất là tại các tuyến biên giới, cửa khẩu còn nhiều kẽ hở; thiếu chính sách đặc thù để hỗ trợ tái nhập cộng đồng với người bán dâm.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng: xác định phòng ngừa là trọng tâm trong công tác phòng, chống mại dâm, tạo điều kiện triển khai các chương trình can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, vì thế cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách và chế tài hình sự theo hướng bổ sung tình tiết tăng nặng đối với các vi phạm liên quan đến hoạt động mại dâm; nhân rộng các mô hình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tạo cơ hội việc làm, tái hòa nhập cộng đồng với người bán dâm.