Chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc nghèo và vùng biên giới hải đảo

(VOH) - 16 năm qua, Quỹ học bổng Vừ A Dính với sự đồng hành của nhiều cá nhân, tập thể, đơn vị, doanh nghiệp đã giúp sức, hỗ trợ cho hàng ngàn học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn của đất nước, vùng biên giới hải đảo xa xôi có điều kiện được đi học, thực hiện ước mơ, trở thành nguồn nhân lực tốt và có ích cho xã hội và địa phương trong tương lai.

 

Bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính thực hiện nghi thức khởi công xây trường tại Cù Lao Lại Sơn trên đảo Nam Du (Ảnh: quyvuadinh)

Hiện nay, Dự án “Ươm mầm tương lai” của Quỹ học bổng Vừ A Dính đã có 200 em, dự án “Chắp cánh ước mơ” 200 em, dự án “Mở đường đến tương lai” có 100 em. Ngoài ra, Quỹ còn tổ chức xây tặng 15 căn nhà tình nghĩa, 6 cây cầu bê tông, 9 ngôi trường, trong đó có 2 ngôi trường ở đảo Sinh Tồn và Trường Sa Lớn. Năm 2014, Quỹ đã trao gần 5.000 suất học bổng cho các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.

Riêng năm 2015, Quỹ học bổng Vừ A Dính nhận được sự ủng hộ của các đơn vị, cá nhân với tổng số tiền hơn 39 tỷ đồng; đã có 5 trường ký kết nhận 198 học sinh và 12 doanh nghiệp sẽ trao 198 suất học bổng cho các em.

Phóng viên VOH phỏng vấn bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính.

* Nhìn lại chặng đường 16 năm của Quỹ Học bổng Vừ A Dính, điều gì làm bà cảm thấy ấm lòng?

Bà Trương Mỹ Hoa: Các em thụ hưởng được học bổng đã cắp sách đến trường, được học hành với bạn bè, từ đó có điều kiện phấn đấu vươn lên vượt qua khó khăn, học đến nơi đến chốn.

Học bổng đưa ra tiêu chí gì thì mang lại lợi ích đó. Ví dụ quá trình đào tạo hiện nay có rất nhiều em đã tốt nghiệp, trưởng thành, nhiều em trở thành cán bộ của thôn bản, chuyên ngành nông nghiệp, nhà báo, chiến sĩ biên phòng, bộ đội. Chúng tôi gặp rất nhiều em, từ sự hỗ trợ của Vừ A Dính đã trưởng thành và ggiờ tiếp tục phục vụ trở lại cho bản làng, quê hương của mình.

Hiện nay, một số em được học trong các dự án ở TPHCM, các em tốt nghiệp phổ thông, tiếp tục học đại học. Mặc dù chúng tôi chỉ cam kết đến lớp 12 thôi, nhưng nếu các em có nguyện vọng học tiếp thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để các em thực hiện được nguyện vọng cao nhất của mình.

* Nếu các em học sinh khác muốn tiếp cận nguồn quỹ này thì tiêu chí xét chọn sẽ như thế nào, thưa bà?

Bà Trương Mỹ Hoa: Tiêu chuẩn của Quỹ khá đơn giản, các em nghèo, thuộc diện dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn và có ý chí vươn lên, muốn phấn đấu, tiếp tục học tốt thì chúng tôi hỗ trợ. Các em học ở trường thì trường sẽ tuyển chọn những em đó được hưởng Quỹ học bổng, có mở rộng thêm mục tiêu, đối tượng thụ hưởng là các em ở biển đảo, vùng biên giới.

* Quỹ Học bổng Vừ A Dính đang xây dựng một số dự án hỗ trợ cộng đồng, bà có thể nói rõ hơn về lộ trình của những dự án này?

Bà Trương Mỹ Hoa: Chương trình thứ nhất là tiếp tục vận động tuyên truyền để cộng đồng hiểu rõ và hiểu sâu về ý nghĩa mục đích của Quỹ để mọi người chung tay góp sức trong chặng đường đi tới, giải quyết một số việc như hỗ trợ 5.000 suất học bổng của các em ở tất cả vùng miền trên cả nước; thực hiện dự án “Ươm mầm tương lai”, “Chắp cánh ước mơ”… để có thể hỗ trợ thêm 70-80 em nữa và chia sẻ với các em đang có mong muốn được cắp sách đến trường cho đến khi tốt nghiệp lớp 12.

Quỹ học bổng sẽ tiếp tục ủng hộ vận động, đôn đốc để hoàn thành sớm ngôi trường xây cho các cháu ở Cù Lao Lại Sơn trên đảo Nam Du, thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang và chuẩn bị xây một ngôi trường mới ở huyện Tuyên Đức, Đắc Nông vùng đồng bào dân tộc Mơ Nông.

Một vấn đề nữa là chúng tôi sẽ tiếp tục trao giải thưởng học bổng Vừ A Dính cho các tập thể và cá nhân và tiếp tục vận động để tổng kết chương trình sau một năm câu lạc bộ “Vì Hoàng sa và Trường sa thân yêu” đã hình thành.

* Xin cảm ơn bà.