Chật vật cảnh "đông con" (phần 1)

(VOH)- Để có đủ chỗ học cho học sinh toàn thành phố trước áp lực dân số cơ học đã khó, làm sao để tăng tỉ lệ học bán trú cho các em càng khó bội phần - Đó là khó khăn của ngành giáo dục hiện nay. Nghe bài viết tại đây

Nghe bài viết tại đây

Học sinh học, ăn, ngủ ngay trong một phòng. Ảnh: TNO

Ăn, học, ngủ cùng một chỗ

Năm học 2015-2016, chỉ tính riêng bậc tiểu học, TP chỉ có 69% học sinh được học 2 buổi/ngày, sĩ số bình quân đã hơn 40 học sinh/lớp, có hơn 1.200 lớp học toàn TP có sĩ số trên 50 học sinh... Để đảm bảo tất cả học sinh đều được đến trường, một số địa bàn tập trung nhiều người nhập cư như: quận Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân… phải cắt giảm bán trú do học sinh quá đông.

Quận Tân Bình, năm học này chỉ có 64% học sinh tiểu học và 20% học sinh THCS được học hai buổi/ngày. Phần lớn trường học trên địa bàn quận là trường tư thục do chế độ cũ để lại hoặc các tổ chức tôn giáo hiến tặng nên có quy mô nhỏ, khó cải tạo để đáp ứng nhu cầu học buổi hai như THCS Lý Thường Kiệt, THCS Quang Trung, tiểu học Lý Thường Kiệt, tiểu học Chi Lăng, tiểu học Bình Giã…

Trường tiểu học Bành Văn Trân Q.Tân Bình phải tận dụng tối đa diện tích sẵn có mới đáp ứng được 37% bán trú trong tổng số 2.000 học sinh. Khi nấu ăn xong, trường phải đẩy xe đưa bữa trưa qua phân hiệu 2, tại đây bàn học lại trở thành bàn ăn trưa rồi kiêm luôn giường để học sinh ngủ trưa. Phòng học kiêm chức năng 3 trong một, biết học sinh không được thoải mái, nhưng trong điều kiện hiện nay là chưa thay đổi được.

Thầy Nguyễn Tấn Nghiệp, hiệu trưởng trường tiểu học Bành Văn Trân cho biết: “Với số phòng học như hiện nay thì giải quyết cho 19 lớp cũng là quá lớn rồi”.

Tương tự tại quận Gò Vấp, số học sinh đang theo học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học mới đạt 59%, THCS đạt 50%. Trường tiểu học An Hội được xây dựng với mục tiêu đạt chuẩn quốc gia, nhưng đến nay cũng đã vỡ chuẩn, trở thành trường tiểu học đông nhất thành phố, với tổng số 88 lớp, sĩ số bình quân 48 học sinh/lớp.

Do phường 9 và phường 12 chưa có trường tiểu học nên trường An Hội phải gánh thêm học sinh ở các phường này. Trường phải bỏ luôn nhà ăn, ngăn hội trường thành phòng học, biến phòng học thành phòng đa năng: ăn-ngủ-học cùng một chỗ.

“Trường có nhà ăn nhưng với số lượng học sinh nhiều phải làm lớp học vì thế cũng mất phần diện tích khu vực ăn uống nên phải đưa vào phòng học. Trường sẽ sắp xếp để học sinh ra ngoài ăn đảm bảo việc dọn dẹp của bảo mẫu và vệ sinh phòng học”, cô Phan Thúy Trang, hiệu trưởng trường tiểu học An Hội phân trần.

Có thể thấy, việc học, ăn, ngủ tại lớp đã trở thành chuyện bình thường trong các lớp bán trú hiện nay tại các trường học trên địa bàn TP.

Nhà trường lo, phụ huynh rầu

Hiện trường có tỉ lệ học 2 buổi thấp nhất thành phố là quận Tân Phú chỉ đạt 23% ở bậc tiểu học, 10 % ở bậc THCS. Đặc biệt, có 2 trường tiểu học hoàn toàn trắng lớp 2 buổi. Bởi sỹ số học sinh luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước. Các trường phải tận dụng một số phòng chức năng để làm lớp học, kéo theo giảm các lớp học bán trú. Với sĩ số lớp học cao, chuyện ngồi học đã khó, ăn và ngủ lại càng khó hơn.

Như trường tiểu học Võ Thị Sáu trước đây cũng có bếp ăn bán trú, nhưng vì chỗ học cho học sinh không đủ, buộc phải chuyển công năng bếp ăn, chuyển sang suất ăn công nghiệp. Không chỉ cơi nới cơ sở vật chất, khi tổ chức bán trú thì trường còn phải có thêm bộ phận cấp dưỡng và bảo mẫu. Các nhân viên này được tuyển dụng theo hợp đồng, 3 tháng hè không có lương nên nhà trường luôn lo mất người, tất cả chỉ trông chờ ở vào lòng yêu trẻ của đội ngũ này.

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Quận Tân Phú: “Đội ngũ nhân viên phục vụ bán trú do không có biên chế trong trường tiểu học nên việc tuyển dụng nhân sự lương còn theo thỏa thuận theo nhu cầu của phụ huynh học sinh, chỉ đáp ứng được một phần chưa đáp ứng được nhu cầu của đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng”.

Theo Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, trong giai đoạn hiện nay việc học bán trú hết sức cần thiết. Để phụ huynh yên tâm, thì  việc chăm lo bữa ăn, nghỉ ngơi cho học sinh tốt cũng góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác giảng dạy. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn này, trong thời gian tới ngành phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp để giảm sĩ số học sinh trong một lớp, đáp ứng nhu cầu gửi học sinh bán trú của phụ huynh.

 “Ngành giáo dục – đào tạo muốn nâng cao chất lượng dạy học thì phải có nhiều trường lớp. Nhiều nhà trường được tổ chức sinh hoạt cả ngày trong trường hay nhu cầu chính đáng của phụ huynh là tăng thêm nhiều các trường học bán trú để yên tâm làm việc. Công việc này cần sự tập trung quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng trường lớp, phải bắt kịp học sinh tăng cơ học mới có thể thực hiện mô hình trường tiên tiến hiện đại”. – ông Sơn nói.

Trong bối cảnh cơ sở vật chất các nhà trường chưa thể đáp ứng được nhu cầu bán trú, thì một số cơ sở ngoài công lập đã bung ra phát triển mạnh mẽ với mô hình bán trú vệ tinh, đáp ứng nhu cầu rất lớn của phụ huynh hiện nay. Tuy nhiên, dù xuất hiện đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý cho mô hình này. Trong khi mô hình này đang chung vai gánh vác áp lực quá tải của ngành giáo dục.

(còn tiếp)