Chọn nghề giáo là chấp nhận hy sinh

(VOH) - Nghề giáo tưởng chừng bình lặng nhưng cũng chứa đựng rất nhiều tâm tư của người thầy. Khi chúng tôi đặt câu hỏi nếu được lựa chọn lại, các thầy cô có chọn nghề giáo nữa hay không thì rất nhiều câu trả lời vẫn là nghề giáo.

Xúc động chia sẻ về mối lương duyên gắn bó với nghề giáo, cô Kiều Nguyệt Hồng Liên, giáo viên trường THPT An Lạc cho biết: cô yêu nghề dạy học từ chính hình ảnh của ba mẹ mình - những giáo viên mẫu mực được đồng nghiệp và học trò tin yêu, kính trọng. Gia đình cô có 6 chị em, đã có 4 người theo nghề của ba mẹ vì vậy nghề dạy học có thể được xem là nghề truyền thống của gia đình.

Nhà giáo thường là nhà nghèo, khó khăn nhiều mặt và đã có những đồng nghiệp không đủ nghị lực vượt qua khó khăn nhưng với cô Liên thì công việc này đãi người gắn bó, nó đã cho một công việc tốt, một gia đình nhỏ hạnh phúc và biết bao kỷ niệm khó quên trong đời. Bước vào lớp học cô cảm thấy như bước vào ngôi nhà thứ hai của mình bởi ở lớp các em gọi cô là mẹ Liên, má Liên. Cuối năm học các em lội ruộng để hái hoa sen về tự tay kết thành bó thật đẹp tặng cô kỷ niệm ngày các em ra trường.

Từng năm, từng năm học sinh ra trường đều có nhiều em quay trở về thăm cô như trở về với mẹ kính yêu. Và hạnh phúc hơn nữa là đã có những học sinh nối bước cô theo nghiệp trồng người. Như em Ngọc Trung đã từng học qua Đại học Bách Khoa, Cao đẳng Hải quan nhưng vẫn quyết định bỏ ngang vì thấy không phù hợp bởi thời gian đã giúp em nhận ra con đường nghề nghiệp yêu thích nhất là…. nghề giáo.

Vì nhà Trung khó khăn, nên cô thường giới thiệu học sinh có nhu cầu học kèm gia sư để Trung vừa đi học vừa kèm thêm vào buổi tối để trang trải cuộc sống. Đầu năm nay thì cậu học trò ngày nào đã là thầy giáo dạy Hóa, rất chịu khó đến thăm cô và tiện thể để hai thầy trò trao đổi kinh nghiệm sư phạm. Cô Hồng Liên hạnh phúc: “Nếu không được đi dạy học, tôi cảm giác như mình là con cá mà không được sống trong nước. Công việc dạy Văn là đam mê đã đành rồi mà việc gần gũi chia sẻ với học sinh là niềm hạnh phúc. Có những khi mệt mỏi nhưng khi đứng trước các em là tôi quên hết mệt mỏi, kể cả ốm đau”.

Đối với cô Võ Thị Hải, giáo viên trường tiểu học Lý Thái Tổ thì nghề giáo là ước mơ, hoài bảo cháy bỏng từ thuớ bé. Ngay từ thời đi học, hình ảnh cô giáo với viên phấn trắng trong tay vẽ nên những điều kì diệu làm bao học trò háo hức theo dõi không rời mắt đã gây ấn tượng mạnh trong lòng cô Hải. Từ đó cô mơ ước được đứng trên bục giảng. Khát khao này đã thôi thúc cô nỗ lực theo đuổi việc học mặc dù gia đình phải chạy ăn từng bữa. Có bằng tốt nghiệp, cô xin vào công tác ở trường mầm non, trở thành kế toán. Công việc dần ổn định nhưng ước mơ trở thành cô giáo vẫn không nguôi, ngày ngày với chiếc xe đạp cọc cạch, cô lại vừa đi làm vừa đi học sư phạm. Thành quả sau bao ngày vất vả là khi nhận quyết định được đứng trên bục giảng, cô vỡ òa trong hạnh phúc, từ đó bất chấp đường xa, nắng mưa vẫn không bỏ buổi dạy nào.

Từng trải qua thời kỳ gian khó nên ngày nay khi đã là nhà giáo, cô tận tình quan tâm, sẻ chia với học trò hoàn cảnh khó khăn, bởi vì chỉ có học mới có cơ hội đổi đời. Cô Hải xúc động :"Ngày xưa ba mẹ tôi rất nghèo nhưng vẫn nỗ lực cho con cái ăn học, bây giờ tôi phải làm sao dạy học thật tốt để các em bước ra đời vững vàng. Đây là tâm nguyện nên càng giảng dạy tôi càng hăng say, không nề hà gì hết ! Cộng thêm động lực từ đồng nghiệp, ban giám hiệu truyền thêm sức mạnh. Tôi thấy chọn nghề giáo là không sai lầm và mãn nguyện với tâm nguyện của mình”.

Khác với những giáo viên của lớp toàn học sinh giỏi, chăm ngoan, cô Vũ Thị Hiếu Thảo, Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.1 chia sẻ về sự lựa chọn và gắn bó với nghề giáo: chính từ niềm tin vào sự thành người, thành tài của học trò mà càng đi trên con đường đã chọn, cô càng vững tâm hơn. Học trò giáo dục thường xuyên nhiều em rất bướng bỉnh, cá tính, không chịu tiếp xúc gần gũi, có khi còn hỗn với thầy cô. Cô không thể quên những lần chạm trán với học trò cá biệt quay cóp bài, gây gổ đánh nhau mà vẫn không nhận sai, thậm chí còn muốn… đánh cả giáo viên. Những lúc đó cô ngậm ngùi tự hỏi: nghề giáo… bạc vậy sao ? Nhưng rồi qua tìm hiểu được biết trong số học sinh cá biệt, có em hoàn cảnh gia đình éo le, hoặc bệnh tật, hoặc bị lôi kéo vào thói xấu, khủng hoảng tinh thần… Đáng trách song cũng đáng thương ! Vậy là thay vì buồn lòng, cô chọn chọn giải pháp tâm sự, chia sẻ và thường xuyên động viên nhắc nhở các em. Kết quả là những cô cậu học trò ngỗ ngịch ngày nào không chỉ học tập khá lên mà còn biết tự làm món ăn cây nhà lá vườn để cô ăn mau khỏe sau giờ đi dạy. Có em còn thể hiện lòng yêu mến với một bình hoa đồng cỏ nội trưng trên bàn cô… những việc làm mà theo các em là từ nhỏ đến giờ chưa từng bày tỏ sự quan tâm đến bất cứ ai.

Cô Vũ Thị Hiếu Thảo bày tỏ: “Nhiều khi mình phải làm công tác bảo lãnh với ban giám hiệu để các em tiếp tục học. Nói chung, phải bằng cái tâm, đừng quá nguyên tắc ! Phải nhìn nhận sự việc, tâm sự, bằng những lời chân thành mà cảm hóa để các em tiếp tục theo học”.

Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TPHCM tặng hoa cho giáo viên nhân ngày 20/11 - Ảnh: Tấn Thạnh (NLĐ).

“Nếu được chọn lại nghề nghiệp, tôi vẫn chọn nghề giáo để có thể sẻ chia trọn vẹn nhất với học trò của mình. Nếu bước vào sư phạm chỉ là lựa chọn chẳng đặng đừng sẽ tội nghiệp học sinh lắm !” - Thầy Trần Thu Quang, giáo viên trường THPT Nguyễn Khuyến đã nghiệm lại hơn 30 năm trồng người như thế. Những lời chân thành của thầy khiến cho những ai toan tính được mất trong nghề giáo phải suy nghĩ lại.

Sau năm 1975, hoàn cảnh đất nước khó khăn, đời sống của người thầy cũng không tránh khỏi gian khổ nhưng đó lại là môi trường tốt vì chính sự khắc nghiệt đã dạy cho thầy biết cách làm một nhà giáo chân chính.

Thuở đó, các thầy cô đứng lớp đều giảng dạy cho học trò bằng tất cả nhiệt tâm và đến bây giờ thầy vẫn muốn truyền lửa đam mê ấy đến với học sinh. Lớp học cũng giống như một gia đình lớn, với nhiều đứa con cần được mình chăm sóc mỗi ngày. Được nhìn các em trưởng thành, lớn khôn là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời nhà giáo: “ Là người đi trước, có kinh nghiệm, có vốn sống và cũng là người cha, người anh, người bạn của các em, các em quý mến tôi cũng vì vậy. Tôi còn tham gia blog, facebook với các em, bản thân thầy cô phải hòa đồng thì các em sẽ dễ bộc lộ tâm sự, tâm tư của mình”.

Những khó khăn về đời sống, những áp lực từ công việc và cả điều tiếng trong nghề dạy học tưởng chừng làm cho không ít người thầy cảm thấy nao lòng. Tuy nhiên, sau những thử thách, đắng cay là tình cảm yêu thương của học trò, điều đó đã trở thánh động lực giúp cho nhiều giáo viên thêm gắn bó với nghề. Vượt qua mọi tác động, nghề giáo vẫn là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý,. Dù có phải hy sinh thầm lặng nhưng nhà giáo luôn được xã hội trân trọng, tôn vinh bởi hầu hết người thầy đều tâm niệm phải là tấm gương mẫu mực, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người.