Con người còn có bộ não thứ hai nằm trong bụng?

(VOH) - Người Việt Nam thường nói: “Nghĩ thầm trong bụng, “Bụng nghĩ một đằng, đầu nghĩ một nẽo”,… Gần đây có nhiều nhà khoa học tình cờ phát hiện ra rằng giữa “bụng” và “đầu” có một mối quan hệ đầy bí ẩn và vô cùng chặt chẽ.

Giáo sư Mỹ Michael Gershon (Ảnh: cnsfoundation)

Tiến sĩ Michael Gershon ở trường Đại học Columbia cho biết: Tạo hoá đã trang bị cho hệ tiêu hoá một hệ thống dây thần kinh vô cùng phức tạp, tới mức có thể xem đó như là một bộ não thứ hai của con người!

Những nhà khoa học phát hiện trên thành dạ dày và ruột non của con người được bao phủ một hệ thống tế bào thần kinh dày đặc, giống hệt những tế bào thần kinh tạo thành vỏ não và hoạt động độc lập với não bộ (trung tâm trí tuệ và hoạt động của cơ thể). Theo các nhà khoa học, có lẽ vì quá trình tiêu hoá thực phẩm, hấp thụ chất dinh dưỡng và bài tiết cặn bã diễn ra trong cơ thể rất phức tạp và lắm công phu nên tạo hoá đã cấp thêm cho con người một não bộ thứ hai nằm trong bụng để làm công việc này?!

Tiến sĩ Michael Gershon cho biết, trong ruột của bộ máy tiêu hoá có trên 100 triệu tế bào thần kinh, tuy ít hơn số lượng tế bào thần kinh trong não, nhưng nhiều hơn số lượng tế bào thần kinh ở tuỷ sống và hệ thần kinh ngoại biên. Nhiều nhà khoa học khác còn quả quyết rằng, hệ thống thần kinh trong bụng không chỉ điều khiển hoạt động của hệ tiêu hoá mà còn có tác động rất lớn tới tình trạng tâm lý, tính khí con người. Tuy thực tế là hai bộ não hoạt động độc lập, nhưng chúng vẫn có mối liên hệ gắn bó và cùng nhau hợp tác rất chặt chẽ.

Mặc dù hệ thống thần kinh của não bộ không hề ra lệnh cho dạ dày phải nhanh chóng nghiền nát thức ăn, hay phải tiết ra bao nhiều dịch vị để tiêu hoá thức ăn, nhưng bộ não thứ hai nằm trong bụng vẫn liên hệ chặt chẽ với não bộ trên đầu và đảm nhận vai trò trung tâm điều hành thứ hai, đó là phản ứng lại với những trạng thái stress, kiểm soát thể trạng hệ thống bảo vệ cơ thể trước những vi khuẩn có hại và báo động, trong trường hợp bị đe doạ. Hai não bộ này chuyển giao cho nhau những tín hiệu thông qua dây thần kinh phế vị: 90% xung động được truyền từ hệ thống thần kinh ở bụng lên não, nhưng chỉ có 10% thông tin từ não đáp ứng về bụng!  Phát hiện này làm ngỡ ngàng giới bác sĩ chuyên điều trị những bệnh về hệ tiêu hoá, bởi vì cho đến nay, giới chuyên môn trong lĩnh vực này tin rằng, phần lớn các bệnh viêm dạ dày hay đường ruột có nguyên nhân tâm lý, do tình trạng stress kéo dài hay do một biến cố đau thương vô cùng lớn trong quá khứ, nhưng bây giờ họ phải nghĩ khác đi rất nhiều về mối quan hệ giữa những rối loạn tâm lý với bệnh của hệ tiêu hoá. Bởi vì , hệ tiêu hoá hoàn toàn có thể tác động tới việc hình thành tình trạng tồi tệ về tâm lý và các bệnh về đường tiêu hoá có thể chính là nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm hoặc stress mãn tính!

Các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia cũng khẳng định  thủ phạm chính gây nên những bệnh đường tiêu hoá là hoóc môn serotonin. Serotonin không chỉ làm nhiệm vụ truyền tải thông tin giữa các tế bào thần kinh, mà còn là đầu mối quan hệ giữa hệ tiêu hoá và não bộ. Nếu hàm lượng serotonin quá cao sẽ dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hoá. Việc gia tăng hàm lượng serotonin trong đường ruột kéo dài sẽ gây nên tình trạng viêm nhiễm. Các nhà khoa học cho biết, việc chuyển tải thông tin dồn dập từ đường ruột tới não gây ảnh hưởng đáng kể tới tâm trạng hàng ngày của con người, ngay cả lúc cơ thể đang khoẻ mạnh. Tuy nhiên cũng có thể xày ra những trường hợp ngược lại: Trạng thái tâm lý tác động xấu tới hoạt động của hệ thần kinh tiêu hoá. Như vậy stress kéo dài không chỉ làm tổn hại tới các tế bào chất xám trong não bộ mà còn làm tổn thương tới hệ thần kinh của bộ não thứ hai nằm trong ổ bụng!

(Theo tạp chí nước ngoài)