Đánh giá học sinh tiểu học bằng lời: Cần thêm nhiều giải pháp giảm tải cho giáo viên

(VOH) - Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm số vừa thực hiện bước đầu. Ngay khi áp dụng, giáo viên đã hình dung sẽ vất vả hơn nhưng lo lắng nhất là khối lượng hồ sơ sổ sách nặng nề.

 

Giáo viên Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) đóng hình ngôi sao lên tập học sinh - Ảnh: TNO

Không ít áp lực ! 

Hiện giáo viên chủ nhiệm phải dạy từ 9-10 môn học nên giáo viên phải nhận xét suốt 4 -5 tiết học mỗi ngày trong khi sĩ số lớp từ 40-50 học sinh là bình thường ở các thành phố lớn. Với cường độ lao động như vậy, những nhận xét chung chung “bài làm tốt”, “hoàn thành tốt” dễ nảy sinh tâm lí ỷ lại với học sinh hoặc phiên ngang “hoàn thành tốt” tương đương điểm 9-10, “bài làm khá” tương đương điểm 7-8. Lúc này nhận xét cũng không khác gì cho điểm ! 

Cô Đỗ Thị Yến, Hiệu trưởng trường tiểu học Phước Bình chia sẻ việc nhận xét cho các em mất công sức hơn. Những em làm bài tốt, thầy cô tặng bông hoa để khuyến khích. Tuy nhiên, bông hoa không thể thay thế lời nhận xét. Giáo viên phải nghĩ ra nhiều cách động viên học sinh nhất là với những bài làm nhiều lỗi sai, càng phải nhận xét nhiều hơn. "Ban giám hiệu và giáo viên nghĩ ra bông mai như bông mai màu đỏ là học sinh học rất tốt, màu xanh là mức khá, cần hướng dẫn thêm, màu vàng là trung bình. Có bông mai nhưng vẫn có lời phê bên cạnh, mỗi em mỗi nhận xét khác nhau”.  

Không chỉ đánh giá thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, giáo viên còn đối mặt với khối lượng công việc " sự vụ" sổ sách. Mỗi học sinh một cuốn học bạ. Cuối học kỳ giáo viên chủ nhiệm nhận xét mười mấy mục chi tiết 9-10 môn học, chưa kể các mục về năng lực, phẩm chất, khía cạnh nổi bật. Cuối tháng, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn cũng viết ngần ấy nhận xét cho mỗi học sinh trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, thể dục… bình quân có 1 tiết/tuần và để đủ chỉ tiêu, giáo viên bộ môn dạy 23 lớp. Ước tính mỗi tháng trên 1.000 học sinh đợi giáo viên nhận xét.

Những giải pháp linh hoạt 

Theo Bộ GD-ĐT, không bắt buộc nhận xét bằng chữ viết cho 100% học sinh trong cùng một tháng mà có thể linh hoạt nhận xét bằng chữ viết và lời nói. Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, giáo viên có thể thiết kế chung một sổ cho các môn. Cơ chế mở này giúp giáo viên không phải lúc nào cũng vùi đầu vào sổ sách.

Theo các giáo viên, nhận xét bằng lời phát huy hiệu quả hơn. Mỗi em cần có nhận xét riêng biệt, mỗi lần nhận xét giáo viên phải tốn công sức thời gian gấp nhiều lần chấm điểm vì phải suy nghĩ cụ thể chỉ ra cho học sinh tiến bộ chỗ nào, khắc phục điểm yếu nào, dùng lời lẽ sao cho tế nhị và phải viết đẹp vào tập cho học sinh. Để giảm tải cho việc ghi nhận xét, các trường không bắt buộc nhận xét toàn bộ học sinh ở một tiết dạy mà có thể chọn ra một tổ nhận xét rồi thực hiện luân phiên. Thầy Nguyễn Phước Lộc, hiệu trưởng trường tiểu học Tân Phú cho biết: “Nếu nhận xét hết học sinh thì không thể nào làm kịp. Cho nên mỗi tiết, giáo viên thay vì nhận xét 4 tổ thì chỉ nhận xét một tổ và qua ngày hôm sau thực hiện tiếp”.

Hỗ trợ nhận xét trong lớp của giáo viên, các trường còn phát huy các em tham gia nhận xét, góp ý cho bạn. Tuy nhiên, theo cô Lương Thị Dung, giáo viên trường tiểu học Tân Thông, giáo viên không được nhận xét theo kiểu chê bai để học sinh "bắt chước" mà hướng dẫn các em nhận xét vừa nhẹ nhàng vừa khuyến khích học tập: “Ví dụ, bạn đọc tốt bài thì các bạn nhận xét bạn đọc tốt. Còn bạn nào chưa biết đọc, các bạn không nhận xét bạn đọc dở mà nói ra chơi, mình sẽ chỉ cho bạn đọc thêm… cần định hướng cho các bé, không có bạn nào chê bạn mình học dở”.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, giáo viên cần chủ động quan sát học sinh trong quá trình học tập để nhận xét hiệu quả hơn. Nếu có vướng mắc, giáo viên sẽ trao đổi chuyên môn với sự hỗ trợ các cấp quản lí cùng góp ý của phụ huynh học sinh. “Đánh giá học sinh bằng nhận xét thay cho điểm số, chúng tôi đã lấy ý kiến từ Phòng giáo dục - đào tạo, cán bộ quản lí, giáo viên góp ý kiến thêm. Với cách làm năng động, sáng tạo của các giáo viên tiểu học, quản lí của các hiệu trưởng, chỉ đạo của phòng giáo dục, sở giáo dục thì việc thực hiện sẽ hiệu quả. Các em nhận thấy và biết được học tập hạnh kiểm của mình như thế nào, xóa đi việc tranh đua so kè điểm với bạn. Bên cạnh đó, phụ huynh cùng nhà trường cần phối hợp trong việc giáo dục rèn luyện thêm cho các em, góp ý thêm cho giáo viên trong việc đánh giá nhận xét”.

Có thể thấy, áp dụng cơ chế đánh giá học sinh bằng nhận xét hơn đòi hỏi giáo viên phải chủ động đổi mới, tăng cường trách nhiệm. Tuy nhiên để cách đánh giá này phát huy hiệu quả, cần thực hiện nhiều hình thức đánh giá linh hoạt, tháo gỡ áp lực sổ sách cho giáo viên, tránh nhận xét đi vào lối mòn khô khan cứng nhắc do cường độ công việc nặng nề.