Để các công trình khoa học không nằm trong ngăn kéo

(VOH) - Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học tốn hàng chục tỷ đồng của Nhà nước có giá trị thực tiễn cao nhưng sau khi nghiệm thu xong thì được xếp vào ngăn kéo, chứ không thể triển khai, ứng dụng...nguyên nhân vì đâu?
Công trình nghiên cứu của nước ta vẫn đang trong thời kỳ non trẻ, không hiếm công trình nghiên cứu xong rồi để đó mà nhiều người vẫn hay gọi vui là xếp trong ngăn kéo.ảnh minh họa: GDTD

Nghị quyết Trung ương 6 khóa 11 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã thẳng thắn thừa nhận hoạt động khoa học công nghệ nước ta còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội, đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ chậm đổi mới. Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý. Trong khi nhiều quốc gia khác phát triển mạnh như vũ bão nhờ vào các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, từ hàng mỹ phẩm, điện tử, ô tô, vật liệu mới, công nghệ sinh học, gene đều mang lại lợi nhuận khổng lồ thì nhiều công trình nghiên cứu của nước ta vẫn đang trong thời kỳ non trẻ, không hiếm công trình nghiên cứu xong rồi để đó mà nhiều người vẫn hay gọi vui là xếp trong ngăn kéo.



Tiến sĩ Thái Thiện Minh hiện đang giảng dạy tại trường ĐH Copenhagel- Đan Mạch trong một nghiên cứu về tác động của cơ chế, chính sách ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng của kết quả nghiên cứu đã đưa ra nhận định:


Dĩ nhiên tiến sĩ Thái Thiện Minh đã khẳng định nghiên cứu của bà mang tính định tính chứ không định lượng nhưng bà đã dùng hình ảnh chiếc phong bì để nói về thực trạng nghiên cứu hiện nay. Theo bà, ngay từ khâu tuyển chọn đề tài đến nhiều khâu khác như quyết toán tài chính đã khiến cho những người nghiên cứu buộc phải dùng phong bì để hóa giải, để có đề tài và thực hiện được đề tài.

Trong thời gian làm việc ở các cơ quan nghiên cứu khác và nay công tác tại Viện môi trường tài nguyên ĐH quốc gia TP.HCM tiến sĩ Chế Đình Lý không ít lần tham gia các cuộc tuyển chọn đề tài nghiên cứu mà theo ông nhận xét đề tài được chọn không chất lượng, điều này phụ thuộc vào cái tâm và tầm của người chủ nhiệm đề tài. Thực trạng đề tài nghiên cứu không ứng dụng được một phần xuất phát từ những điểm này:



Chúng tôi chợt nhớ đến lần trao đổi với lãnh đạo Sở khoa học và công nghệ của tỉnh Bình Thuận, ông nói rằng, có nhiều địa phương, người nông dân chỉ cần những nghiên cứu đơn giản nhưng thiết thực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chẳng hạn nghiên cứu làm thế nào nâng cao chất lượng của quả thanh long, tránh hiện tượng ruồi đục. Hay như hiện tượng thủy triều đỏ. Bình Thuận không cần những gì to tát, chỉ cần các nhà khoa học tập hợp dữ liệu về vấn đề này đưa ra quy luật và thời gian xuất hiện thủy triều đỏ để địa phương dùng thông tin cảnh báo du khách tại bãi tắm cũng như khai thác cho khách tham quan. Trông chờ mãi mà cho đến nay vẫn chưa thấy trong khi rất nhiều đề tài đăng ký nghiên cứu từ các trường viện chẳng ăn nhập gì với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Theo PGS, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện phó viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, trường ĐH Cần Thơ thì không riêng gì trong lĩnh vực nông nghiệp mà ở nhiều lĩnh vực khác, các nghiên cứu ứng dụng vẫn chưa sát với nhu cầu là bởi còn vướng nhiều ở cơ chế cấp phát kinh phí không trùng với những mùa vụ để làm ra những thí nghiệm và thu mẫu chất lượng hơn.



Lẽ dĩ nhiên nhiều người thừa nhận rằng, nghiên cứu khoa học có những đặc tính như mạo hiểm, độ trễ và tính thực tiễn. Độ trễ không có nghĩa là bị trễ mà chính là phải đi trước thời đại và để áp dụng vào thực tiễn cần phải có một khoảng thời gian nhất định. Có những nghiên cứu vào thời điểm hiện tại không thể sử dụng được nhưng vài chục năm sau lại có thể biến thành tiền. Với nhiều quốc gia trên thế giới, khoảng 20% đề tài nghiên cứu thành công đã là mỹ mãn. Còn ở nước ta chưa có một thống kê cụ thể nhưng ước chừng khoảng 10-15 % kết quả nghiên cứu có thể đi vào thực tế đã là điều đáng mừng. Như chia sẻ của tiến sĩ ngành nông nghiệp ông Trương Văn Đa:


Một ách tắc nữa khiến cho sản phẩm chưa thể thành hàng hóa là bởi thiếu kinh phí để triển khai sau nghiên cứu. Về điều này Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thời gian gần đây đã có nhiều đổi mới, chẳng hạn như không bắt buộc nhà khoa học phải đi giải trình từng nội dung mà chỉ cần một hóa đơn tổng, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ có trách nhiệm thực hiện khâu này với Sở tài chính, bên cạnh đó là cơ chế tài chính hỗ trợ cho sản phẩm tiềm năng ra được đến thị trường. Do vậy, để nghiên cứu khoa học không còn nằm trong ngăn kéo nhất thiết khâu sàng lọc đề tài cần được thắt chặt hơn, khoa học công nghệ phải thật sự trở thành mũi nhọn là động lực cho sự phát triển bởi mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp không còn xa./.