Đề thi THPT Quốc gia: đảm bảo phân hoá trình độ và không gây áp lực TS chỉ xét tốt nghiệp

(VOH) - Sáng nay, 22/05, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với lãnh đạo TP, Sở GD-ĐT và các trường ĐH về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tại TPHCM.

Tại TPHCM sẽ có 8 cụm thi quốc gia dành cho thí sinh của TP và 7 tỉnh lân cận, với tổng số gần 158.000 thí sinh. Trong đó thí sinh tại TP hơn 68.000 thí sinh, khoảng 63.000 thí sinh thi với mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh, chiếm hơn 93% và hơn 3.500 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm khoảng 5%.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc  (ảnh: TTO)

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP - Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tại TPHCM, công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay có nhiều thuận lợi là các thí sinh tại TP sẽ thi theo địa bàn, rải đều các quận huyện và các cụm thi dành cho thí sinh của 7 tỉnh: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Tây Ninh và Long An. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho hay, toàn TP có 130 trường THPT, 13 trung tâm giáo dục thường xuyên đăng ký tham gia thi thử với hơn 45.000 thí sinh. Thông qua kỳ thi thử, học sinh hình dung được các bước tham gia kỳ thi chính thức về lịch thi, thời gian thi, nội dung bài thi cũng như những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần bổ sung để có sự chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi THPT quốc gia chính thức.

Về công tác tổ chức cho kỳ thi sắp tới, ông Sơn cho biết thêm: “Đối với các em thí sinh thì tâm lý rất nhẹ nhàng bởi những lý do sau đây: thứ nhất là xét tốt nghiệp, xét cả quá trình chứ không phải điểm thi, bằng tốt nghiệp cũng không còn xếp loại nữa. Thứ hai là thí sinh chỉ thi 1 lần sau đó xét ĐH, riêng TP số lượng thí sinh phân bố theo cụm cũng rất hợp lý. Phụ huynh học sinh yên tâm vấn đề này”. 

Tại buổi làm việc, đại diện 8 trường cụm thi cũng đã báo cáo công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, huy động cán bộ coi thi, giáo viên chấm thi, hỗ trợ thí sinh…tại các cụm thi và trình bày những vướng mắc liên quan.

Một số trường kiến nghị Bộ sớm ban hành định mức về chi tiêu, cần ban hành định mức chung cho các cụm thi thực hiện sao cho đồng bộ. TS Lê Quan Nghiệm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP cho hay, nhờ sự phối hợp tốt giữa Sở GD-ĐT với cụm thi và các cụm thi với nhau nên vấn đề điểm thi đã được chuẩn bị chu đáo. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là công tác chấm thi, đây không chỉ là lo lắng riêng của cụm này, bởi năm nay, các môn Toán, Ngữ văn có số lượng bài thi nhiều nhưng thời gian chấm quá ngắn. “Chúng tôi rất lo lắng, thông thường những môn này chúng tôi phải mời giáo viên các trường THPT hoàn toàn. Sử, Địa cũng mời giáo viên chấm nhưng ít. Số bài thi nhiều, phải huy động số lượng giáo viên chấm thi rất lớn”, ông Nghiệm nói. 

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, TP là cụm thi lớn nhất cả nước. Không riêng TP các cụm có thể huy động giáo viên từ các tỉnh khác cùng tham gia. Hiện Sở GD-ĐT cũng phối hợp với các cụm thi điều động cán bộ, giáo viên chấm thi khi có yêu cầu.

Phát biểu chỉ đạo - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu định hướng: Về lâu dài, kỳ thi THPT quốc gia cần hỗ trợ cho việc đổi mới công tác giảng dạy và học tập. Ông lưu ý, đề thi cần phải phân hoá làm sao để phần mà thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp phổ thông sẽ dễ dàng, không tạo áp lực để các em yên tâm hơn. “Về coi thi, các đồng chí phải chỉ đạo để người dân yên tâm là công tác coi thi ở tất cả các cụm đều rất nghiêm túc để đánh giá khách quan và không có áp lực thành tích. Kết hợp với các trường ĐH và các địa phương, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra trung thực, để đánh giá đúng phổ điểm của học sinh để sau này đưa vào cải cách chương trình sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy. Thứ hai là phải chấm thi nghiêm túc, từ đề thi và barem. Đề thi, barem điểm rõ ràng thì sẽ chấm thi nghiêm túc”, Phó Thủ tướng lưu ý . 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thêm, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay trước mắt để khắc phục những tồn tại, bức xúc, nhiêu khê trước đây do có quá nhiều kỳ thi tốn kém. Dù những thay đổi năm nay có gây khó cho Bộ GD-ĐT, cho các trường nhưng nếu thuận lợi cho dân, đặc biệt cho thí sinh và phụ huynh thì nên làm. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các đơn vị cần phối hợp tốt để phụ huynh, thí sinh không lo lắng trong kỳ thi sắp tới.