Hai bé sơ sinh bị bướu tân dịch hiếm gặp

(VOH) - Bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu – Trưởng Khoa Sơ sinh bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp sơ sinh bị bướu hiếm gặp mà y khoa gọi là bướu tân dịch vùng cổ.

Trường hợp thứ nhất bé được hơn 2 tháng tuổi, chuyển từ bệnh viện Vĩnh Long. Sau khi sinh, bé bị bướu vùng cổ phải lan xuống tới ngực. Kết quả cận lâm sàng và chụp Citi cho biết bé bị bướu tân dịch vùng góc hàm lan xuống lưỡi và dưới hàm. Do bị bướu chèn đẩy lưỡi ra ngoài nên bé bú không được. Hiện bé phải thở oxy do bướu chèn đường thở.

Hiện bé phải thở oxy do bướu chèn đường thở.

Trường hợp bé sơ sinh thứ hai, sinh ngày 12/8 ở Cà Mau, sau sinh cũng phát hiện bướu ở vùng cổ rất to. Kết quả cho thấy bé bị bướu tân dịch vùng cổ phải đường kích 7 cm.

Theo bác sĩ chuyên khoa, bướu này thường do bẩm sinh, dị dạng mạch máu dạng bạch mạch, bị tắc ứ phình thành khối bướu. Với 2 ca này do bị từ trong bào thai nên các bác sĩ chưa tìm ra nguyên nhân. Thông thường với những nang bướu to, bác sĩ sẽ mổ bóc được nhưng với hai bé sơ sinh này có những nang nhỏ lấn vào vị trí hóc hiểm. Điều nguy hiểm nhất là nếu kéo dài thời gian, bướu phát triển lớn quá sẽ chèn vào đường thở và bệnh nhi có thể tử vong bất kỳ lúc nào.

Sau khi hội chẩn, nếu phẫu thuật cho hai bé này, tỷ lệ thành công rất thấp do bệnh cảnh khá đặc biệt nên theo bác sĩ Đào Trung Hiếu – Phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1, hướng xử trí tốt nhất là tiêm chất làm xơ hóa mô bướu: "Dưới sự hướng dẫn của siêu âm (siêu âm sẽ phát hiện nơi chứa nhiều dịch nhất và cho vị trí chính xác), chúng tôi sẽ hút dịch ra hết và tiêm chất vào phản ứng gây xơ, làm xơ hóa mô bướu không cho tái phát và hình thành bướu lại. Tiêm có thể 1 hoặc hai ba lần tùy vào kích thước bướu để đạt đến sự thành công cho em bé". Bác sĩ HIếu giải thích. 

Với những bướu tân dịch (hay còn gọi là bướu bạch mạch), tối ưu nhất vẫn là phẫu thuật nhưng do hai bệnh cảnh này quá đặc biệt buộc các bác sĩ phải tìm đến phương pháp khác an toàn và hiệu quả hơn cho bệnh nhi.