Hết thời luyện thi cấp tốc

(VOH) - Tháng 7 tới, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ chính thức diễn ra. Với những đổi mới về cách thi, xét tuyển vào ĐH-CĐ khiến cho tình hình ôn luyện của thí sinh năm nay có thay đổi rõ rệt.

Trường “gắn” với học sinh đến tháng 7 

Năm nay là năm đầu tiên kỳ thi với hai mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh vào ĐH- CĐ, vì vậy khuynh hướng ôn thi của các em cũng phân hoá theo mục tiêu: nhóm học sinh khá, giỏi có mục đích dự thi để xét tuyển vào ĐH-CĐ thì tập trung ôn thi ở giáo viên hoặc trung tâm uy tín, còn nhóm học sinh chỉ với mục đích xét tốt nghiệp THPT, xét vào ĐH-CĐ bằng học bạ thì đăng ký ôn tập tại trường.

Chia sẻ của một số học sinh lớp 12: “Thi chung nên chắc chắn đề thi cũng sẽ khác so với năm ngoái nên cách học phải thật cụ thể. Sáng, chiều, em học văn hoá trong trường. Buổi tối, em học thêm ở ngoài. Ba môn chính thì tăng 4 tiết, về nhà thì lo làm bài tập”. Hay như : “Trường em đã xếp lớp mấy lần, hiện em học Ban tự nhiên. Em dự định thi hai khối là A, D1 vì có môn Toán, Anh như nhau nên cũng sẽ đỡ”. Và: “Em chọn môn Lý vì em cũng có dự định xét ĐH là khối A, D1 để ôn thi luôn, để mình có thời gian tiếp xúc, ôn luyện các môn đó nhiều hơn”.

Cuối tháng 5, các trường THPT đã kết thúc chương trình học tuy nhiên nhà trường tổ chức ôn tập cho học sinh đến tháng 7 để tránh học sinh đổ vào các lò luyện thi không cần thiết.

Trước đây, các trường chỉ chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất để ôn thi cho sáu môn thì nay phải huy động thêm cho hai môn nữa. Do tỷ lệ chọn môn không đồng đều, nhà trường vất vả hơn khi ôn tập cho các em. Các môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, các em học theo lớp cũ, sau đó học những môn tự chọn riêng. Các môn Lịch sử, Địa lý mỗi môn mở một lớp ôn tập còn các môn được nhiều học sinh lựa chọn như Hóa học, Sinh học, Vật lý chia ra từ 3-5 lớp để đảm mỗi lớp khoảng 30 học sinh. Thầy Nguyễn Minh Triết, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Văn Cừ chia sẻ: “Trường sinh hoạt với học sinh cho đến hết chương trình, đến khi ôn thi sẽ ôn tập những môn các em đăng kí thi. Khi ôn thi cũng giảm áp lực do học sinh chọn những môn các em thích” .

Luyện thi cấp tốc “ thoi thóp” 

Tại các trung tâm luyện thi đại học, những khoá luyện thi cấp tốc không thể chiêu sinh được như mọi năm, cảnh chen chúc đăng ký luyện thi cũng không còn. Theo nhiều trung tâm luyện thi, số lượng thí sinh sụt giảm là do lượng học sinh lớp 12 các tỉnh không đổ về TP mà dự thi ngay tại các cụm thi gần nhà, trong khi đó học sinh đang học lớp 12 thì chủ yếu ôn thi ngay trong trường học nên hầu như chỉ có thí sinh tự do đăng ký học tại trung tâm.

Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai.

Ông Nguyễn Hoà, Giám đốc Trung tâm luyện thi Tô Hiến Thành cho biết, lượng thí sinh tự do đăng ký gần 400 em, thí sinh chọn nhiều nhất là khối A, kế đến là khối D, A1: “Nói chung, lượng học sinh có giảm một chút. Có khoá đầu năm và khoá sau Tết, dĩ nhiên là không có khoá cấp tốc. Thông thường cuối tháng 5, đầu tháng 6 mở khoá cấp tốc do học sinh thi tốt nghiệp xong sẽ đi luyện thi cấp tốc. Năm nay không mở khoá đó nữa vì trường sẽ giữ học sinh lại cho đến tháng 7 để ôn tập, thí sinh ở tỉnh cũng không có thời gian lên ôn thi. Vì vậy, số lượng tổng của một trung tâm luyện thi chắc chắn sẽ giảm rất nhiều”.

Theo ghi nhận, đa số các trung tâm luyện thi ĐH giảm từ 30 – 50% lượng thí sinh đăng ký. Một số trung tâm chiêu sinh ít thí sinh các khoá dài hạn, trung hạn chỉ chờ đến gần ngày thi mở lớp cấp tốc với học phí cao, bao đậu thì gần như không sống được trong năm nay, nhiều trung tâm phải giải thể.

Ông Nguyễn Đức Quốc, Giám đốc Trung tâm luyện thi ĐH 60 An Sương cho hay, đến hiện tại trung tâm có khoảng 1.000 thí sinh đăng ký luyện thi, giảm hơn năm ngoái khoảng 200 em. Cũng theo ông Quốc, hiện nay thí sinh có nhiều kênh để luyện thi vì vậy trung tâm phải thay đổi cách ôn tập theo hướng mới để giúp thí sinh ôn thi hiệu quả: “Nguyên nhân do đề thi năm nay sẽ bám sát chương trình, thứ hai là các em học trên mạng rất nhiều, tự học cũng rất nhiều chứ không như mọi năm đổ xô vào các trung tâm ôn luyện. Do đó, mình cập nhật các dạng đề thi của Bộ để dạy theo hướng Bộ ra đề. Ví dụ, mọi năm các em học tủ 10 hay 20 đề Văn trong số 300 đề Văn có thể ra 1 trong số đó. Năm nay, đề mở, chắc chắn sẽ không ra đề nào giống trong đó cả, khác hẳn hoàn toàn”

Đề cao nỗ lực bản thân học sinh 

Bên cạnh đó, ôn thi trực tuyến cũng là một kênh mà nhiều thí sinh lựa chọn. Nhiều trang web luyện thi như hocmai.vn, moon.vn hay thậm chí còn có luyện thi qua facebook cũng làm đa dạng xu hướng luyện thi ĐH của thí sinh năm nay.

Tuy nhiên, dù lựa chọn hình thức nào có hiệu quả hay không đều phụ thuộc vào bản thân của người học. Theo thầy Nguyễn Duy Hiếu, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhận định: đây là năm đầu tiên đề thi với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH- CĐ, sẽ có nhóm câu xét tốt nghiệp THPT và nhóm câu hỏi tuyển sinh ĐH – CĐ. Theo cấu trúc đề thi năm nay sẽ bám sát chương trình sách giáo khoa nhưng không đơn thuần là những câu hỏi đóng mà chủ yếu là câu hỏi mở, tăng cường tính thực tiễn. “Trong đề thi có khoảng 6 điểm cơ bản mà nắm vững kiến thức lớp 12 có thể làm được, còn kiến thức liên quan đến lớp 10 và 11 là phần khó thì học sinh cần ôn tập rèn luyện nhiều mới có thể làm được. Các em có thể tự ôn luyện, bây giờ trên mạng có rất nhiều đề, ở nhà cũng có thể tự ôn tập được” .

Có thể thấy, chính sách đổi mới thi cử đã làm thay đổi phương pháp dạy và ôn thi. Thí sinh bắt buộc thay đổi phương pháp học, hướng đến việc rèn khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành. Để đạt điểm cao, thí sinh cần nắm chắc kiến thức tổng hợp trong ba năm phổ thông, nhạy bén với các dạng bài tập, rèn luyện giải nhiều để thành thạo kỹ năng làm bài. Cách đổi mới này sẽ giúp thí sinh có năng lực, sở trường riêng có điều kiện phát huy thế mạnh của mình.