Học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc

(VOH) - Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015 được phát động với chủ đề “Học để góp phần phát triển địa phương, đất nước và đóng góp cho nhân loại”. Theo định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đến năm 2020, TP.HCM sẽ trở thành một thành phố học tập. Vì vậy tất cả mọi cá nhân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tới trường chính quy đều tham gia học tập thường xuyên, học suốt đời chính là cơ sở để xây dựng xã hội học tập.

Vượt qua khó khăn vươn lên học giỏi

Em Lê Thị Toàn, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên Q.1 từng bỏ dở việc học cấp 2 để đi làm mưu sinh, nuôi mẹ và các em. Nhiều năm xa nhà làm đủ mọi việc từ lượm bọc, bán vé số, bán đồ lưu niệm, Toàn xót xa tự hỏi "chẳng lẽ cuộc đời mình sẽ mãi phải giành giật, đi xin, đi lượm mới có miếng cơm, manh áo mãi như vậy sao?". Được sự động viên, hỗ trợ của các thầy cô Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX), Toàn đã lựa chọn chiếc chìa khóa để thay đổi cuộc đời mình là phải học văn hóa để làm lại từ đầu, quyết tâm bước ra khỏi ám ảnh cuộc sống khó khăn.

Do bị đứt quãng nhiều năm nên Toàn học chậm hơn các bạn, nhưng em vẫn nhẫn nại học vì tương lai của mình. Xuất phát từ điểm khởi đầu thấp và dường như không được cuộc đời dành cho nhiều ưu ái, mỗi một dự định của Toàn phải mất nhiều thời gian và ý chí mới đạt được.

Ngày mưu sinh tối về đi học nhưng Toàn luôn là học sinh xuất sắc của trường, trở thành tấm gương sáng học tập khi giành 3 giải trong cuộc thi học sinh giỏi thành phố với các môn địa lý, vật lý, tiếng Anh và là tân sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với số điểm 21,5 điểm.

“Ngày xưa khi học ở quê, học lực của em chỉ đến khá thôi nhưng từ khi đi học lại, em ý thức việc học hơn để học tốt nhất, học tập là con đường để biến ước mơ thành hiện thực”, Toàn bộc bạch.

Anh Trương Anh Văn (bên phải)  với đồng nghiệp trong giờ làm việc (Ảnh: NVCC)

Công nhân Trương Anh Văn, Công ty Cao su Thống Nhất chia sẻ: “Nếu chỉ làm việc bằng sức lực mà không có kỹ năng thì tuổi càng lớn sức khỏe càng giảm, công việc không thể bền lâu”. Đi làm về anh không nghỉ ngơi mà theo học nâng cao buổi tối, tan học về phải thức khuya làm bài, ứng dụng những gì đã học vào thực tế công tác. Không phụ lòng người, những chuỗi ngày dài miệt mài đầy khó nhọc đó đã kết thành quả ngọt. Anh đã tham gia thực hiện nhiều công trình được ứng dụng vào hoạt động của đơn vị như cải tiến hệ thống gia nhiệt nóng - lạnh cho máy cán, cải thiện hệ thống lưới điện công ty, chế tạo ra máy đóng gói sản phẩm cho công ty.

Chịu khó học tập, sáng tạo nên anh được gọi là cây sáng kiến nổi bật tại đơn vị, đạt được giải nhất Hội thi thợ giỏi ngành điện cấp tổng công ty, làm thay đổi cái nhìn về người công nhân vận hành máy móc hiện đại chứ không phải lấm lem dầu nhớt.

Chia sẻ về động lực học tập, anh Văn cho biết: “Mình mong muốn thành phố mình ngày càng phát triển, hiện đại hóa. Riêng bản thân sẽ không ngừng nỗ lực phát triển trong nghề nghiệp, mong rằng các bạn công nhân sẽ tiếp tục phấn đấu đóng góp cho đơn vị và đất nước".

...để đổi đời

Còn với thầy Hoa Ánh Tường, tổ trưởng tổ Toán trường Trung học Thực hành Sài Gòn lại có động cơ học tập khác: Ba mẹ thầy quanh năm một nắng hai sương trên ruộng đồng nên rất khao khát con cái học hành thành tài. Khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, thầy nói với mẹ: vậy là ước mơ của con đã thành hiện thực rồi. Từ đó, thầy giáo trẻ tận dụng mọi thời gian, mọi lúc mọi nơi để làm điều mình yêu thích là học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Chia sẻ về quá trình bền bỉ học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ và trở thành tiến sĩ ở tuổi 38, thầy Tường nói: Trong nghề giáo không được bằng lòng với kiến thức đã có, đừng tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại sẽ lùi bước, lạc hậu, tự đào thải mình trước. Người thầy giáo của thế kỷ 21 đòi hỏi người thầy phải đầu tư, cập nhật kiến thức.

“Tôi xác định vừa phối hợp giảng dạy và nghiên cứu, trong quá trình nghiên cứu lý thuyết hoạt động dạy học đã chỉ ra học sinh sẽ tự học một cách tốt nhất thông qua tự mình tìm kiếm tri thức qua sự dìu dắt của người giáo viên”, thầy Tường cho biết thêm.

Ông Lê Văn Thẩm (Phó Chủ tịch hội khuyến học phường Tân Quy, Q.7) tham gia công tác khuyến học bằng chính tấm gương gia đình hiếu học của mình. Ba người con của ông lần lượt đậu đại học và có thành tích học tập xuất sắc ở các trường đại học.

Kể về những đứa con ngoan học giỏi, ông không giấu nổi niềm hạnh phúc. Mặc dù trong suốt những năm nuôi các con học phổ thông rồi lên đại học, biết bao nhiêu khổ cực, vất vả, gánh nặng đè lên vai trong khi gia đình phải tất bật với miếng cơm manh áo. Có những lúc các con cùng về xin tiền đóng học, nhà không làm sao xoay sở cho kịp, gia đình phải bán hết của cải trong nhà, vay mượn nhiều nơi. Tuy khó khăn là vậy, ông vẫn dành thời gian học ngoại ngữ, vi tính…làm gương cho các con của mình thấy được đối tượng học tập còn là những người thân của mình, từ đó các con có động lực học tập nhiều hơn.

Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ ông có ý định cho con nghỉ học, trái lại luôn động viên con cái cố gắng học hành để có cuộc sống tốt đẹp hơn. “Phong trào nuôi heo đất khuyến học rất có ích, trước đây nhà khó khăn nhưng vẫn cố gắng đi học, hướng dẫn cho các con phải nỗ lực đi học, chỉ có sự học mới đem lại tương lai tốt đẹp hơn”, ông Thẩm nói.

Con đường đổi đời từ việc học càng cho thấy học hành có ý nghĩa quan trọng với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn bao người khác. Việc các tầng lớp nhân dân tham gia học tập thường xuyên, học suốt đời rất đáng học tập và biểu dương. Qua đó, đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành thành phố học tập.