Làm gì khi trẻ chán học ?

(VOH) - Đây chỉ là một giai đoạn nhất thời trong quá trình phát triển của trẻ và cha mẹ chính là nhân tố quan trọng nhất để định hướng cho sự phát triển của trẻ.

Đừng tạo thêm áp lực cho trẻ

Đã là cha mẹ, ai cũng muốn con mình chăm chỉ và có thành tích tốt trong học tập. Tuy nhiên, khi trẻ có dấu hiệu sa sút, không đạt kết quả cao hoặc thậm chí khi nhận được lời than phiền của thầy cô về biểu hiện của trẻ ở trường, cha mẹ cảm thấy hoang mang, lo lắng và thường có những biểu hiện tiêu cực. Điều này không thể giúp ích gì cho con mà có thể tạo ra tác dụng ngược. Thời điềm này, trẻ vốn gặp khó khăn khi ở lớp, lại phải chịu thêm áp lực từ phía gia đình.

Phụ huynh hãy động viên thay vì tạo thêm áp lực cho trẻ bằng những lời la mắng - Ảnh minh họa (Nguồn: AloBacsi)

Để tránh gây căng thẳng cho con, phụ huynh cố gắng kìm chế, đừng vội trách mắng, trừng phạt con khi trẻ bị điểm xấu. Càng không nên đem con ra so sánh với một hình mẫu nào đó hoặc đặt câu hỏi đại loại như "Trước đây con học tốt lắm, sao bây giờ lại tệ như vậy ?". Thay vào đó, hãy thể hiện cho trẻ thấy sự mong muốn và cố gắng hỗ trợ con học tốt từ phia cha mẹ. Khi con trẻ cảm thấy có bố mẹ là đồng minh, sẽ yên tâm hơn để vượt qua khó khăn ở trường.

Trẻ học sa sút thường do bị mất căn bản hoặc không theo kịp kiến thức. Với các trường hợp này, phụ huynh nên có kế hoạch rõ ràng và cụ thể cùng con vượt qua. Trong giai đoạn này, trẻ thường tự ti và không dám bày tỏ cùng cha mẹ, vì vậy phụ huynh hãy học cùng con, phụ đạo thêm cho bé những kiến thức chưa nắm rõ. Không nên đặt ra những đòi hỏi quá cao về điểm số mà nên động viên, khích lệ mỗi khi bé đạt được thành tích nào đó. Cần chỉ cho trẻ biết được đâu là điểm yếu cần khắc phục và đâu thế mạnh của mình. Điều này sẽ mang lại cho trẻ sự tự tin rằng chỉ cần cố gắng thêm thì sẽ vượt qua.

Không cần thiết phải ép trẻ học trong thời gian dài vì mức độ tập trung của trẻ khi học bài mới là yếu tố quan trọng. Trẻ cũng cần có góc học tập riêng với đầy đủ ánh sáng - không gian phù hợp giúp trẻ hứng thú và độc lập khi học tập.

Hãy đồng hành cùng con

Theo thống kê, các trường hợp sa sút về học tập trường rơi vào giai đoạn trẻ ở độ tuổi dậy thì, từ cấp 2 chuyển sang cấp 3, đặc biệt là bé gái. Ở giai đoạn này, các cháu có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Nếu ở tuổi mầm non và tiểu học, bé gái thường có biểu hiện thông minh, nhạy bén hơn bé trai thì khi sang giai đoạn này, do đặc tính hay suy tư, trăn trở và thiên về cảm xúc mà việc thích nghi với các môn học đòi hỏi tư duy logic là một trở ngại, vì vậy các bé trai sẽ dần chiếm ưu thế. Cha mẹ nên quan tâm và chia sẻ nhiều hơn với con gái khi rơi vào hoàn cảnh này.

Trẻ em gái ở tuổi dậy thì rất cần sự quan tâm, chia sẻ của bố mẹ - Ảnh minh họa (Nguồn: Dantri).

Ngoài ra, việc con trẻ sống trong môi trường gia đình bất hòa, cha mẹ xung đột cũng tác động tiêu cực đến khả năng học tập của các cháu. Thậm chí, có những trường hợp khi trẻ còn bé cha mẹ vốn rất quan tâm, chăm sóc kỹ càng khiến bé luôn cảm thấy gò bó nhưng nay khi trẻ lớn cha mẹ lại buông lỏng. Điều này cũng khiến trẻ cảm thấy cô đơn, hụt hẫng gây những sa sút trong việc học. Để tránh những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, cha mẹ cần hạn chế xung khắc trước mặt trẻ, hãy luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng các con trong cuộc sống.

Tóm lại, trẻ thường có biểu hiện sa sút học tập khi bắt đầu vào giai đoạn chuyển từ nhóm tuổi nhi đồng sang tuổi thiếu niên. Khi rơi vào những trường hợp này, phụ huynh cần bình tĩnh và ý thức được rằng đây chỉ là một giai đoạn nhất thời trong quá trình phát triển của trẻ. Cha mẹ nên chủ động chia sẻ và hòa nhịp cùng con trẻ, hãy chứng tỏ sự quan tâm và khả năng làm điểm tựa vững chắc nhất cho các con trong mọi khó khăn. Trái với cách nghĩ của nhiều người, khi trẻ càng lớn càng cần một điểm tựa vì vậy cha mẹ hãy là tấm gương tốt để trẻ noi theo và phấn đấu.

Thạc sĩ - giảng viên tâm lý học Nguyễn Hữu Long - Ảnh: Lê Minh (TTO).

 

Tư vấn: Ths. Nguyễn Hữu Long - Giảng viên Tâm lý trường Cao đẳng sư phạm trung ương.

Bạn đọc có thể tham gia giao lưu trực tiếp với chuyên gia về các vấn đề nuôi dạy con trong Chương trình Kỹ năng làm cha mẹ (phát sóng trực tiếp từ 20h05 - 21h thứ Sáu hàng tuần). Đăng ký tham gia qua số điện thoại: 39.10.48.66. Chương trình do VOH phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) thực hiện.