Mỹ gia hạn thêm 15 ngày để ByteDance thực hiện thoái vốn khỏi TikTok

(VOH) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn cho ByteDance thêm 15 ngày để thoái vốn khỏi các hoạt động kinh doanh của TikTok (công ty con của ByteDance) tại thị trường Mỹ.

Lệnh thoái vốn ban đầu quy định rằng ByteDance phải bán lại các hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ trước ngày 12/11.

Trước đó, TikTok đã lần đầu tiên tiết lộ về quyết định gia hạn này trong một tài liệu của tòa án. Việc gia hạn thêm 15 ngày có nghĩa là ByteDance phải đạt được thỏa thuận với công ty Mỹ như Walmart hoặc Oracle để chuyển tài sản của Tiktok tại Mỹ vào trước ngày 27/11.

Bộ Tài chính Mỹ hôm 13/11 cho biết, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã chấp thuận gia hạn thêm 15 ngày để các bên liên quan và ủy ban này có thêm thời gian để giải quyết vụ việc.

Mỹ gia hạn thêm 15 ngày để công ty ByteDance thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ. (Ảnh Getty Images)

Mỹ gia hạn thêm 15 ngày để công ty ByteDance thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ. (Ảnh Getty Images)

Trước đó, vào ngày 10/11, ByteDance đã đệ đơn đề nghị Tòa án phúc thẩm Mỹ tại Washington, D.C ngăn chặn sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu công ty phải chuyển nhượng ứng dụng TikTok.

Theo sắc lệnh hành chính của Tổng thống Trump ban hành ngày 14/8, ByteDance phải thoái vốn hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày, đồng nghĩa với thời hạn chót tương ứng mà ByteDance phải thoái vốn là ngày 12/11.

Ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance. Năm ngoái, công ty này công bố số liệu cho biết khoảng 60% trong số 26,5 triệu người dùng hoạt động thường xuyên tại Mỹ có độ tuổi từ 16 đến 24. Điều này khiến các nhà lập pháp và quản lý ở Mỹ phải lo ngại và xem xét kĩ lưỡng vấn đề.

Các quan chức trong chính phủ và các nghị sĩ quốc hội Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng TikTok, dưới sự kiểm soát của công ty mẹ ByteDance, sẽ chuyển thông tin của người dùng tại Mỹ cho chính phủ Trung Quốc, điều này sẽ gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với nước Mỹ.

Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton trước đây từng nói rằng, đối với hầu hết người dân Mỹ, TikTok chẳng qua chỉ là một ứng dụng video ngắn vô hại, nhưng thực tế đằng sau ứng dụng này là hành động thu thập thông tin dữ liệu của người dùng. Tất cả các thông tin, bao gồm danh bạ, email, tin nhắn, bài đăng trên mạng xã hội, dữ liệu định vị của người dùng…, đều sẽ được gửi đến máy chủ ở Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc có thể có được những thông tin dữ liệu này.