NASA sẽ làm gì sau khi phát hiện ra nước trên sao Hỏa ?

(VOH) - Các nhà khoa học của NASA đã công bố phát hiện ra các vệt hẹp trên sao Hỏa, vốn chỉ được hình thành do các dòng chảy của nước. Các vệt bí ẩn này đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2011, tuy nhiên cho đến tận bây giờ NASA mới chứng minh được.

Nước trên sao Hỏa thay đổi theo mùa

Theo công bố của NASA, từ nhiều năm qua, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng những vệt đen tại các sườn dốc trên sao Hỏa bằng cách nào đó được hình thành do nước bởi chúng xuất hiện tối hơn vào giai đoạn mùa hè trên hành tinh đỏ và mờ nhạt khó thấy hơn vào mùa đông. Ý tưởng ở đây là nước sẽ chảy khi môi trường xung quanh ấm hơn sau đó biến mất khi nhiệt độ hạ thấp.

Một giả thuyết được đưa ra là có lẽ nước được lọc và chảy ra từ tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu hoặc bằng cách nào đó nước được ngưng tụ trong khí quyển.

Amaury Triaud - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Planetary Sciences thuộc Đại học Toronto cho biết: "Những gì NASA muốn làm bây giờ là quan sát một cách có hệ thống các địa điểm đó (nơi có các vệt đen) từ quỹ đạo và tìm cách quan sát các hình thái của chúng. Họ sẽ tìm kiếm tại các miệng hố phía nam hoặc phía bắc, tùy thuộc vào độ cao và vĩ độ trên hành tinh và họ sẽ cố gắng tìm ra một sự liên quan nào đó."

Nước không thể chảy trên bề mặt sao Hỏa mà không có muối bởi khí quyển của hành tinh này quá mỏng và bề mặt quá lạnh, do đó nước thăng hoa, từ dạng rắn (băng) trực tiếp chuyển thành dạng khí. Tuy nhiên, nước muối có điểm đóng băng thấp hơn và tồn tại được lâu hơn" - Triaud nói.

Michael Meyer - Nhà khoa học của Chương trình Khám phá sao Hỏa (NASA) - giải thích về sự biến đổi của nước mặn trên bề mặt hành tinh đỏ - Nguồn: NASA/VNE.

Theo nhiều nghiên cứu, hàng tỉ năm trước sao Hỏa từng là một hành tinh "ướt át" nhưng khi bầu khí quyển trở nên mỏng hơn, nước đã bị bốc hơi. Các tàu thăm dò sao Hỏa được NASA phóng đi như Curiosity, Spirit và Opportunity đều tìm ra nhiều bằng chứng về những phiến đá cổ hình thành trong nước. Trong đó, tàu Curiosity đã phát hiện vết tích của một dòng nước ngay sau khi hạ cánh lên bề mặt hành tinh đỏ vào năm 2012.

Mô phỏng hoạt động của xe tự hành Curiosity trên sao Hỏa - Ảnh: NASA

Những dự án nghiên cứu mới đang được triển khai

Sau Curiousity, NASA đang chuẩn bị cho một sứ mạng thăm dò sao Hỏa mới bằng phương tiện tự hành có tên Mars 2020, dự kiến sẽ rời Trái Đất trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh Mars 2020 thì NASA cũng triển khai sứ mạng MAVEN (Mars Atmosphere & Volatile Evolution) nhằm nghiên cứu tình trạng thất thoát của bầu khí quyển sao Hỏa để trả lời cho câu hỏi tại sao hành tinh này mất đi bầu khí quyển dày và nó mất đi như thế nào. 

Mô phỏng vệ tinh nghiên cứu bầu khí quyển sao Hỏa trong sứ mạng MAVEN - Ảnh: NASA.