Phát triển Chính phủ điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số

(VOH) – Sáng 17/9 đã diễn ra Hội thảo về Chính phủ Điện tử lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử và cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số, mô hình và giải pháp công nghệ".

Hội thảo do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp tổ chức tại TPHCM. 400 khách mời tham dự bao gồm: lãnh đạo chính phủ, bộ ngành, tỉnh thành cùng chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, dịch vụ tài chính, ngân hàng, giao thông, vận chuyển, giao nhận, kho bãi…

Quang cảnh Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử lần thứ 15.

Năm 2020 đánh dấu cột mốc tròn 15 năm sự kiện Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử được tổ chức tại Việt Nam. Năm nay, sự kiện được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy xây dựng Chính phủ Điện tử hướng đến Chính phủ Số. Tính đến hết tháng 8 năm 2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng dịch vụ công cũng đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký, hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng. Từ tháng 3 đến nay, hệ thống thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công đã được triển khai, thực hiện trên 9.000 giao dịch. Song song với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng rất tích cực trong việc thúc đẩy hạ tầng công nghệ phục vụ Chính phủ Điện tử và xa hơn là Chính phủ Số.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ Điện tử 2.0 nhằm hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử. Hiện tại, theo xếp hạng phát triển Chính phủ Điện tử của Liên hiệp quốc thì Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 Châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Tuy nhiên, để đạt tới mục tiêu tới  năm 2025 sẽ nằm trong top 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ Điện tử thì còn có rất nhiều việc cần thực hiện.

Triển khai khá nhiều giải pháp công nghệ cho Chính phủ, Viettel xây dựng phần mềm hỗ trợ quản lý văn bản cho Thủ tướng mà không phải cần giấy tờ, không phải trình ký qua giấy; triển khai hệ thống họp trực tuyến cho Chính phủ, hỗ trợ một cửa quốc gia phục vụ cho Hải quan, doanh nghiệp vào đăng ký nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu cho Bộ Tư pháp triển khai khai sinh, khai tử. Hiện đơn vị này cũng đang triển khai cơ sở dữ liệu về đất đai hướng đến doanh nghiệp và người dân… Tại TP.HCM, đơn vị này cũng tham gia xây dựng thành phố thông minh. “Chúng tôi đã chạy trung tâm điều hành cho quận 10, đang phối hợp với UBND TPHCM để xây dựng chiến lược dài hạn liên quan đến chuyển đổi số", ông Phạm Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel thông tin thêm. 

Hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp xây dựng Chính quyền điện tử cho nhiều Bộ, ngành và tỉnh, thành tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, FPT đã hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, phát triển nền tảng tích hợp, liên thông dữ liệu, giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập đoàn đã tập trung nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các nhóm giải pháp công nghệ cho các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, y tế, giáo dục, góp phần kiến tạo các đô thị thông minh ở nhiều địa phương: Quảng Ninh, TP.HCM, Hải Phòng... mới nhất, FPT là một trong các đơn vị hỗ trợ, tư vấn cho TPHCM về khung kiến trúc Chính quyền điện tử cũng như xây dựng nền tảng chia sẻ, liên thông dữ liệu vừa được ra mắt tháng 7/2020. “Các giải pháp, dịch vụ số được FPT kiến tạo xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn, đảm bảo giải quyết bài toán “nóng” của từng bộ ngành, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số chung với mục tiêu cao nhất là tiết kiệm thời gian, chi phí và mang lại lợi ích cho cả nhà nước, người dân và doanh nghiệp", ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn FPT cho biết.

Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, yếu tố nhận thức là đặc biệt quan trọng, và TP.HCM đang là một trong những địa phương tiêu biểu, đạt được những thành tự đáng kể trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả dịch vụ công nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo cũng như nhận thức, tư duy đúng đắn. Tổng số dịch vụ công trực tuyến được công bố của Thành phố là gần 1.800 dịch vụ, trong đó gần 60% là mức độ 3 và 4.

TPHCM cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Chương trình chuyển đổi số, sau khi “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020. Theo UBND TP.HCM, Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM mới cập nhật, điều chỉnh là một giải pháp quan trọng hàng đầu của cả Đề án đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số thành phố. Kiến trúc này hỗ trợ việc phát triển, xác định chi tiết về chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thông, tiêu chuẩn công nghệ… để có thể triển khai các giải pháp công nghệ theo định hướng đô thị thông minh và chính quyền số một cách đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, gỉảm thiểu lãng phí nguồn lực của thành phố. Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay, TP kế thừa và phát triển các ứng dụng chuyển đổi số sao cho việc đầu tư đem lại hiệu quả nhất, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. “TPHCM xây dựng Chính phủ điện tử bắt đầu từ lâu, hiện nay đã chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đó là xây dựng chính quyền số. Tiếp theo chương trình phát triển chuyển đổi số của quốc gia, thì chương trình cũng đã khởi động chương trình chuyển đổi số của TPHCM từ tháng 7/2020. Điều mà TPHCM làm là luôn phải cân nhắc sự kế thừa và phát triển. Chúng ta phải rà soát, tôn trọng và tận dụng tất cả những thành quả đã đạt được trong suốt mấy chục năm qua”, ông Dương Anh Đức nói.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, tỉnh đã xây dựng một phần mềm riêng, trong đó bao gồm cả chính phủ điện tử và chính quyền điện tử vào trong một ứng dụng duy nhất. Ứng dụng đặt trên điện thoại, tạo ra hệ sinh thái, tạo thói quen sử dụng cho người dân.

“Trong xuyên suốt quá trình xây dựng chính quyền điện tử, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tất cả bức xúc của người dân doanh nghiệp thì chính quyền nơi đây xem như đó là mục tiêu chúng tôi hướng đến, giải quyết, cho nên quá trình triển khai thường được người dân, doanh nghiệp ủng hộ tương đối thành công", ông Phan Thiên Định cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, khi thực hiện Chính phủ điện tử, cần có tư duy sáng tạo, có thể chế, chính sách chuyên biệt hóa để dẫn đường cho sự phát triển, đầu tư ngân sách đúng mức và chính ngạch cho Công nghệ thông tin, đặt mục tiêu tập trung cho lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Oracle đánh bại Microsoft trên đường đua giành quyền điều hành TikTok: Tổng thống Trump phản ứng ra sao? - Oracle đã chiến thắng Microsoft trong đường đua giành quyền điều hành TikTok - ứng dụng tỷ USD tại thị trường Mỹ khi hạn chót 15/9 đã cận kề.