Sau TikTok, App từ Trung Quốc sẽ vào danh sách đen tiếp theo của Mỹ?

(VOH) - Mỹ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm “cấm cửa” ứng dụng đình đám đến từ Trung Quốc - TikTok. Tuy nhiên nhiều ứng dụng khác đồng hương với TikTok cũng sẽ có số phận tương tự?

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nêu ra kế hoạch chi tiết gồm các bước thực hiện nhằm mục tiêu loại dần các ứng dụng và dịch vụ, nền tảng truyền thông xã hội có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có việc thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ mua lại quyền kiểm soát các công ty công nghệ Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

Chính phủ Mỹ cho rằng đa số những ứng dụng từ Trung Quốc sau khi thu thập dữ liệu thông tin từ người Mỹ đều sẽ gửi thẳng về Bắc Kinh. Mỹ đang đề ra nhiều biện pháp nhằm loại bỏ hoàn toàn các ứng dụng này ra khỏi kho ứng dụng dành cho thị trường Mỹ, đồng thời siết chặt kiểm soát đối với các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu điện toán “đám mây”.

WeChat - Siêu ứng dụng sắp vào tầm ngắm

Ứng dụng siêu hot TikTok hiện là mục tiêu trung tâm của Mỹ, và sau TikTok vẫn còn rất nhiều những cái tên đình đám khác sẽ bị chính quyền ông Donald Trump nhắm đến. Nổi bật trong số này chính là WeChat của tập đoàn Tencent, Trung Quốc.

Ứng dụng WeChat được biết đến rộng rãi như một nền tảng truyền thông mạng xã hội, tuy nhiên trong thực tế ứng dụng này có tầm hoạt động mạnh và xa hơn rất nhiều.

WeChat cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán, chạy các chương trình mini đính kèm, cập nhật tin tức và cả “tìm bạn bốn phương”, bên cạnh dịch vụ nhắn tin và các hoạt động mạng xã hội khác. WeChat chính xác là một “siêu ứng dụng” và có thể được xem như một dạng hệ điều hành thứ hai chạy trên nền tảng iOs hoặc Android.

Ngoài ra, ứng dụng này còn được đánh giá là công cụ then chốt của hệ thống giám sát nội bộ bên trong Trung Quốc. Theo đó, WeChat yêu cầu người dùng nội địa tại Trung Quốc phải đăng ký bản nhận diện khuôn mặt và giọng nói nếu từng bị cáo buộc lan truyền tin tức “độc hại”.

Sau TikTok, những app nào từ Trung Quốc sẽ vào danh sách đen tiếp theo của Mỹ?

Siêu ứng dụng WeChat hiện có tới hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu. Ảnh: BBC

Không chỉ vậy, WeChat còn được nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng rộng rãi như một công cụ tuyên truyền của chính quyền Bắc Kinh đến cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Viện Chính sách chiến lược Australia vào đầu năm nay đã thảo luận về cách thức mà các nhóm chương trình trong ứng dụng này gửi thông tin đến người dùng: ban đầu là những gợi ý về địa điểm nghỉ mát lý tưởng, hay nhà hàng, quán ăn chất lượng, tuy nhiên sau đó sẽ chuyển dần sang các tin nhắn với nội dung mang tính chính trị, phù hợp với đường lối, chính sách của Bắc Kinh vào những thời điểm quan trọng của đất nước.

Một nghiên cứu gần đây do các nhà nghiên cứu bảo mật từ Trung tâm Citizen Lab của Canada đã nêu chi tiết việc các văn bản, hình ảnh gửi qua lại giữa những người dùng có đăng ký và không đăng ký ở Trung Quốc đều được rà soát xem có chứa các nội dung mà giới chức Trung Quốc coi là nhạy cảm về mặt chính trị hay không. Tuy chưa có trường hợp nào bị chặn nội dung, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy rằng dữ liệu của người dùng đã được thu thập dùng để phục vụ công tác tăng cường kiểm duyệt bên trong Trung Quốc. Trước đó, công ty mẹ Tencent từng tuyên bố tất cả nội dung chia sẻ giữa những người dùng quốc tế, nằm bên ngoài Trung Quốc đều được lưu giữ ở chế độ bảo mật.

Cả một danh sách dài

Mối lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin không chỉ ở riêng nước Mỹ. Một số quốc gia khác cũng đang tỏ dấu hiệu cho thấy các ứng dụng từ Trung Quốc không phải là sự lựa chọn đúng đắn.

Ấn Độ - quốc gia được biết đến như một cường quốc về công nghệ thông tin, cũng đang tiến hành lập một danh sách dài những ứng dụng có nguồn gốc từ nước láng giềng sẽ bị cấm.

Ấn Độ hiện đã cấm cửa 59 ứng dụng có liên quan đến Trung Quốc, với lý do chúng đe dọa tới “chủ quyền quốc gia và an ninh”. Danh sách của Ấn Độ có tên TikTok và WeChat, ngoài ra còn nhiều tên tuổi đình đám khác như:

- Baidu Maps và Baidu Translate: các đối thủ cạnh tranh với sản phẩm của Google, do nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc Baidu tung ra.

- Weibo: nền tảng truyền thông mạng xã hội tương tự như Twitter, Facebook.

- Clash of Kings và Mobile Legends Bang Bang: hai video game trực tuyến.

- CamScanner: ứng dụng scan tài liệu.

- QQMail: dịch vụ thư điện tử và gửi tập tin.

Sau TikTok, những app nào từ Trung Quốc sẽ vào danh sách đen tiếp theo của Mỹ?

Công cụ dịch từ Baidu không chỉ dịch đối thoại mà còn có luôn chức năng cung cấp thông tin, đề xuất tin tức báo chí, truyền thông cho Trung Quốc. Ảnh: BBC

Ngoài ra, chính phủ nước này cũng đang cân nhắc cấm thêm 275 ứng dụng khác, trong đó có một số cái tên khá quen thuộc tại thị trường Mỹ (và cả Việt Nam) như AliExpress (ứng dụng mua sắm của của hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ Trung Quốc Alibaba), các video game của Tencent (trong đó có Player Unknown Battlegrounds (PUBG) Mobile),  và một số ứng dụng mang nhãn hiệu Mi của nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi.

Nhận diện khuôn mặt: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Quay trở lại Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng bày tỏ quan ngại đối với một số phần mềm có chức năng nhận diện khuôn mặt. Tuy ông không nêu rõ tên sản phẩm nào, nhưng Trung Quốc cũng có rất nhiều công ty sản xuất ứng dụng có chức năng tương tự.

Ví dụ, mạng xã hội Kwai và ứng dụng hướng dẫn làm đẹp YouCam Makeup đều dùng thuật toán nhận diện khuôn mặt, và đều nằm trong số các ứng dụng đang bị cấm tại Ấn Độ.

Năm ngoái, chính quyền Donald Trump đã bổ sung hàng chục các công ty Trung Quốc vào danh sách đen về kinh tế, theo đó hạn chế các hãng này mua lại các công nghệ từ Mỹ nếu không được chính phủ Mỹ chấp thuận. Động thái này của Mỹ lập tức khiến Trung Quốc phản đối, kêu gọi chính phủ Mỹ nhanh chóng sửa lại.

Zoom giờ ra sao?

Thời gian qua, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 và nhiều nước ra lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, thì Zoom là một ứng dụng siêu hot, được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới, thậm chí đối với cả các quan chức lãnh đạo hàng đầu.

Tuy nhiên, nối gót nhiều ứng dụng đi trước, Zoom (sáng lập bởi Eric Yuan - doanh nhân gốc Trung Quốc) hiện là một cái tên gây tranh cãi và quan ngại về vấn đề bảo mật thông tin.

Sau TikTok, những app nào từ Trung Quốc sẽ vào danh sách đen tiếp theo của Mỹ?

Zoom: Ứng dụng tỷ USD hay quả bom nổ chậm về bảo mật thông tin? Ảnh: Mycomputer.com

Zoom từng vấp phải chỉ trích mạnh mẽ khi chuyển hướng “nhầm” một số cuộc gọi về các máy chủ đặt tại Trung Quốc, cũng như việc đóng các tài khoản người dùng nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc và từng tổ chức sự kiện chỉ trích chính quyền Bắc Kinh.

Trong động thái mới nhất, Zoom tuyên bố sẽ ngừng cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người dùng ở Trung Quốc, và thay vào đó sẽ cung cấp dịch vụ thông qua các đối tác địa phương, và việc này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 23/8 tới.

Các chuyên gia nhận định, thời điểm trên có thể là trùng hợp ngẫu nhiên - khi gần thời hạn cuối cùng mà Mỹ tuyên bố cấm cửa hoàn toàn TikTok nếu giao dịch bán lại cho Microsoft không thành công (ngày 15/9), nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy các công ty công nghệ đang rất thận trọng, không muốn Mỹ có bất kỳ lý do gì để nghi ngờ mình.