Singapore trở thành điểm đến công nghệ mới của Trung Quốc

(VOH) - Các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đang dần mở rộng hoạt động sang Singapore, trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Washington với Bắc Kinh ngày càng gia tăng.

Theo đó, các ông lớn Tencent và Alibaba đã tăng cường sự hiện diện của mình trong khi ByteDance - công ty mẹ của TikTok - cũng đã được ghi nhận mức đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào đảo quốc sư tử.

Tencent đã công bố sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ở Singapore, tiến tới mục tiêu tăng trưởng xa hơn ở Đông Nam Á và một số khu vực lân cận. Văn phòng khu vực mới của doanh nghiệp này được mô tả là bước đi mang tính “chiến lược” so với mặt bằng chung các văn phòng hiện có của Tencent ở các nước Đông Nam Á.

WeChat - siêu ứng dụng của Tencent, cùng với TikTok là những cái tên đang đối mặt với quyết định của Tổng thống Donald Trump cấm cửa tại thị trường Mỹ vì những cáo buộc liên quan đến việc gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của nước này. Trước đó, một ông lớn khác đồng hương Trung Quốc là Huawei cũng đã bị “ăn gậy” từ chính quyền ông Trump.

Vì sao là Singapore? 

Singapore - quốc gia được xem là mang tính “cân bằng” trong mâu thuẫn Mỹ - Trung với nền tảng công nghệ và tài chính thuộc top đầu toàn cầu, giờ đây có vẻ như là lựa chọn sáng suốt đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, tiến tới kéo giảm căng thẳng giữa hai cường quốc số một thế giới.

Chuyên gia Tommy Wu từ Oxford Economics cho biết: “Với tình thế căng thẳng Mỹ - Trung như hiện nay, việc các công ty Trung Quốc tách rời hoạt động kinh doanh giữa nội địa và nước ngoài là việc nên làm.”

“Singapore sẽ là điểm đến lý tưởng với những lợi thế vô cùng cạnh tranh về công nghệ, vị trí địa lý gần Trung Quốc và là trung tâm sáng tạo đổi mới hàng đầu Đông Nam Á”, ông Wu nói.

Bên cạnh đó, Singapore lâu nay luôn là lựa chọn của các doanh nghiệp phương Tây vì những định chế tài chính ưu việt, chính trị xã hội ổn định và hệ thống khung pháp lý rõ ràng. Giờ đây, đảo quốc sư tử tiếp tục là đích đến của các công ty Trung Quốc.

Ngoài Singapore, châu Á còn một trung tâm tài chính khác là Hong Kong cũng với những đặc điểm tương tự. Tuy nhiên, thành phố này hiện đang vướng vào khủng hoảng chính trị vì những bất đồng liên quan đến quyền tự do dân chủ của người dân với luật an ninh mới do Bắc Kinh ban hành, do đó trong tình thế hiện tại, một môi trường kinh doanh ổn định về mọi mặt là lợi thế lớn của Singapore.

Singapore trở thành điểm đến công nghệ mới của Trung Quốc
Singapore luôn là lựa chọn đầu tư lý tưởng vì những định chế tài chính ưu việt, chính trị xã hội ổn định và hệ thống khung pháp lý rõ ràng. Ảnh: The Edition

Tham vọng của các công ty Trung Quốc

Theo ông Nick Redfearn - phó giám đốc điều hành doanh nghiệp tư vấn tài chính Rouse, Anh Quốc, cho biết còn một lý do khác khiến Singapore thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng và nhiều quốc gia khác trên thế giới nói chung, với lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) luôn ở mức cao.

Lý do này chính là vì Singapore là nơi tập trung rất nhiều trụ sở chính của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới, và mặc dù vẫn chịu sự điều hành từ công ty mẹ, nhưng những pháp nhân này ở Singapore vẫn hoạt động như một nhà đầu tư nước ngoài thực thụ (ví dụ như ở những thị trường Indonesia, Philippines, Việt Nam...). Vì lẽ đó, nếu các công ty Trung Quốc đầu tư vào Singapore thì sẽ tránh được cái tạm gọi là “mác đến từ Trung Quốc”, trong bối cảnh các công ty đến từ quốc gia tỷ dân này dường như đang gặp sự “dòm ngó” và e ngại ở nhiều nơi.

Cũng theo ông Redfearn, các nước Đông Nam Á đã vượt mặt châu Âu trở thành đối tác thương mại vùng lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2020.

Singapore trở thành điểm đến công nghệ mới của Trung Quốc
Các công ty Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu toàn cầu hóa và sẽ không chịu bị bỏ lại phía sau. Ảnh: News Daily 

Bà Rui Ma - chuyên gia công nghệ và đầu tư Trung Quốc, cho biết: “Các bạn đã từng thấy các gã khổng lồ phương Tây như Google, Facebook, LinkedIn… đã từng mở các trụ sở chính ở châu Á Thái Bình Dương, và giờ đây việc các công ty Trung Quốc xem xét cách thức đầu tư tương tự là điều vô cùng tự nhiên.”

“Cá nhân tôi nghĩ, căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung thực chất chỉ khiến thị trường kinh doanh ngày càng sôi động và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên điều này là chưa đủ mà cái quan trọng hơn chính là xu thế toàn cầu hóa. Các công ty phương Tây đã thực hiện toàn cầu hóa từ lâu, vậy tại sao chúng ta không thể?”, bà Rui Ma nhận định, đồng thời cho biết các công ty Trung Quốc luôn sẵn sàng đầu tư dài hạn và sẽ không để bị bỏ lại phía sau nếu cơ hội trong tương lai trở nên rộng mở như vậy.