Thiếu sân chơi tốt, nguy cơ rình rập trẻ

(VOH) - Thời buổi đô thị hóa “tấc đất tấc vàng”, lại chưa có quy hoạch mạng lưới khu vui chơi dành cho trẻ em, nên việc bố trí sân chơi cho các em không phải là chuyện giản đơn.

Sân chơi cho trẻ em Tao Đàn. Ảnh: vnphoto

Tại phường 5 quận 4, sân bãi của ban bảo vệ khu phố, UBND phường và trạm y tế phường kiêm luôn chức năng là điểm sinh hoạt cho trẻ, vừa chật hẹp vừa không có trò chơi nên chẳng mấy em thiếu nhi mặn mà đến. Còn tại phường Tân Phong, Q.7, sân đá bóng nằm sát mé sông, các em vô tư đùa giỡn liền kề sự nguy hiểm mà không có tấm rào chắn bảo vệ nào. Em Nguyễn Bình Minh ( ngụ tại Q.8 ) cho biết rất thích chơi thả diều, đá bóng hay những trò chơi vận động nhưng ở thành phố không có sân chơi nào rộng rãi và an toàn. Còn thuê mướn sân bóng với chi phí hơn 200.000 đồng/giờ thì không đủ tiền nên các em kéo nhau ra lòng đường, vỉa hè, biết là nguy hiểm nhưng không được chơi thì buồn lắm:

Nhiều phụ huynh bận rộn công việc, cuối tuần muốn lên kế hoạch đưa con đi chơi nhưng không biết đi đâu. Chị Hồ Thị Hồng Yến,dân cư Khu đô thị Phú Mỹ Hưng ( Q.7 ) bức xúc: “Không có khu vui chơi gần nhà, cuối tuần chở con đến Tao Đàn quận 1 thì xa quá, rốt cuộc mẹ con chỉ quanh quẩn đi siêu thị, quán ăn - đâu phải nơi dành cho trẻ nhưng chẳng lẽ giữ con mãi trong nhà”:

Thật không khỏi lo lắng khi trong thời gian gần đây, khu vui chơi dành cho trẻ ngày một vơi dần. Công viên Tao Đàn (Q.1), được một đơn vị tài trợ đầu tư khu vui chơi đã xuống cấp do lượng cát hao dần mà không được bổ sung, làm sạch, rác rưởi cũng không được dọn kỹ. Khu vui chơi cho trẻ ở Công viên Gia Định ( Q. Gò Vấp ) đã giải tỏa để mở rộng, chỉnh trang công viên theo quy hoạch. Đến khi hoàn tất chỉnh trang công viên nhưng việc có mở lại khu trò chơi cho trẻ hay không thì... chưa biết. Cùng chung số phận, Khu vui chơi Saigon Wonderland ( Q.7 ) sau vụ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa các chủ đầu tư thì nay chỉ còn là dĩ vãng.

Ngay cả với Đầm Sen, Suối Tiên hay những sân chơi tự phát thì không phải em nào cũng có thể đến chơi. Thu nhập của nhiều gia đình còn ở mức thấp, không phải ai cũng đủ điều kiện bỏ tiền cho trẻ chơi thú nhún, đu quay, xe điện thỏa thích được. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất thì sự ra đời của Khu vui chơi thiếu nhi Khánh Hội ( Q.4 ) vào cuối năm 2009 với nhiều dịch vụ miễn phí cho trẻ em quả là tín hiệu đáng mừng. Khi bước vào Khu vui chơi thiếu nhi Khánh Hội, hình ảnh ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh quan xanh mát, nội thất đẹp và trên khuôn viên rộng 12.000 m2 sạch không bóng rác. Các trò chơi thiết kế màu sắc bắt mắt và cho trẻ thoải mái vận động trong sân cát. Ngoài ra, một thư viện thiếu nhi trên 4.000 đầu sách, một sân khấu sức chứa 300 chỗ ngồi thường xuyên phục vụ văn nghệ. Tất cả những dịch vụ kể trên là hoàn toàn miễn phí, đảm bảo cho những đứa trẻ nghèo cũng được vui chơi. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều gia đình ở các quận lân cận, thậm chí vùng ngoại ô cũng đưa trẻ đến chơi chỉ vì muốn trẻ có bạn, nâng tổng số lượt khách lên đến từ 1.500 - 2.000 lượt/ngày. Ông Trần Văn Lang, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Công ích Q.4 - đơn vị chủ đầu tư Khu vui chơi Khánh Hội chia sẻ:

Ông Lang cho biết thêm công ty đảm trách từ khâu thiết kế, chế tạo trò chơi, vận hành, bảo trì… không cần thuê mướn dịch vụ nên tiết kiệm phần lớn chi phí. Ngoài ra, khu ẩm thực được đưa vào trong khu vui chơi để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh được tình trạng nhếch nhác hàng rong và cũng là một nguồn thu bù đắp cho các dịch vụ miễn phí.

Nhưng mô hình Khu vui chơi miễn phí cho trẻ em vẫn là giấc mơ còn khá xa. Bà Võ Thị Yến, Phó chủ tịch UBND Huyện Hóc Môn băn khoăn ngân sách phân bổ cho hoạt động thể dục thể thao, văn hóa hàng năm chỉ đạt khoảng 12 triệu nên chưa đủ đáp ứng hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em. Hơn nữa người dân chủ yếu làm nông ( 70 % dân cư ) nên phát triển dịch vụ nhằm tái đầu tư cho công tác miễn phí cũng khó. Còn ở nội thành hầu hết dự án các chung cư trước khi xây dựng đều hứa hẹn dành chỗ phục vụ cộng đồng nhưng sau khi xây xong, nhiều chung cư dường như bỏ quên lời hứa hoặc có đầu tư khu vui chơi cho thiếu nhi kèm kinh doanh spa, quán nhậu, khách sạn… Ông Nguyễn Thanh Triều, Phó chủ tịch thường trực UBND Q.7 bày tỏ:

Quyết định số 37/2010/QĐ - TTg ngày 22/4/2010 về Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, được hưởng các quyền cơ bản của mình, có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách. Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP cho biết HĐND TP sẽ kiến nghị cho Đại hội Đảng cấp TP lần thứ IX đưa vào nội dung đầu tư cơ sở vui chơi trẻ em trên toàn TP:

Hy vọng rằng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sẽ có nhiều khu vui chơi dành cho trẻ em trên khắp địa bàn TP. Như vậy, các em sẽ có chỗ chơi gần nhà, an toàn và bổ ích. có không gian để thư giãn sau giờ học, có một thiên đường nhỏ của tuổi thơ để các em có cái mà nhớ về khi trưởng thành.