Thúc đẩy phát triển Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ

(VOH) – Sáng nay 20/10, hội thảo: "Giải pháp thúc đẩy phát triển Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở ươm tạo công nghệ" đã diễn ra tại TPHCM.

Sáng nay, 20/10, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) tổ chức hội thảo:"Giải pháp thúc đẩy phát triển Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ".

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc SIHUB chia sẻ
Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc SIHUB chia sẻ

Tại hội thảo, ông Đào Quang Thủy, Trưởng phòng Ươm tạo và Phát triển doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã có những thông tin về cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Là một trong những doanh nghiệp Khoa học công nghệ tại TPHCM, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc công ty Ewater chia sẻ: “Được công nhận doanh nghiệp Khoa học công nghệ thì doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong 4 năm đầu tiên, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo. Số tiền này thật sự rất lớn đối với doanh nghiệp. Cho nên, hãy đầu tư số tiền được giảm này vào việc nghiên cứu, làm ra những sản phẩm mới, phải là sản phẩm thương mại và mang lại lợi ích thật sự, hàm lượng công nghệ cao. Thứ nhất, sản phẩm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mình sản xuất ra, thứ hai là phục vụ cho đời sống xã hội”

Về hoạt động của cơ sở ươm tạo, theo ông Đào Quang Thủy, các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đều tăng cường năng lực phát triển kinh tế thông qua hoạt động khoa học và công nghệ. Sự gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất đòi hỏi phải chú trọng đầu tư vào khâu “ươm tạo” để giúp doanh nghiệp lớn mạnh, cũng như gia tăng lực lượng tham gia vào chuỗi cung ứng.

Vì vậy, cơ sở ươm tạo tạo điều kiện và là chất xúc tác giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, phát triển tinh thần kinh doanh. Cơ sở ươm tạo còn được coi là công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa thành công các ý tưởng công nghệ nhờ gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ trường đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp.

Chia sẻ về các mô hình vườn ươm trên thế giới, ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Sihub cho hay, đơn cử tại Hoa Kỳ, có ba loại cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ lớn nhất là 54% các vườn ươm sử dụng hỗn hợp, kế đến cơ sở ươm tạo tập trung vào các startup công nghệ, cơ sở ươm tạo tập trung vào sản xuất, dịch vụ và các lĩnh vực kinh tế khác….; Hay như Ấn Độ, vườn ươm startup ở Ấn Độ chủ yếu liên kết với các trường đại học và viện nghiên cứu với mục tiêu hỗ trợ các doanh nhân và thương mại hóa nghiên cứu; Hay mô hình vườn ươm startup công nghệ của Israel, chính phủ đóng vai trò hỗ trợ toàn diện trong quá trình ươm tạo. Ngoài ra, còn có các mô hình vườn ươm trong đại học, vườn ươm trong tập đoàn…