TPHCM dự kiến tăng thời lượng giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành

(VOH) - Sáng 13/11, các trường cao đẳng, TCCN trên địa bàn TP tham dự hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh chuyên ngành trong các trường chuyên nghiệp thành phố”.

Ảnh minh họa: Rmit

Hiện nay, thành phố có 48 trường khối chuyên nghiệp bao gồm 16 trường cao đẳng và 32 trường TCCN với 15 nhóm ngành đào tạo. Trong xu thế hội nhập, các trường cần đẩy mạnh chương trình hợp tác đào tạo quốc tế. Học sinh, sinh viên ra trường muốn đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường lao động thì trình độ tiếng Anh chuyên ngành càng quan trọng.

Theo TS Lưu Đức Tiến, Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp – đại học (Sở GD-ĐT TP) thì chương trình giảng dạy ngoại ngữ được xây dựng theo khung của Bộ GD-ĐT từ 90-120 tiết, chỉ dừng lại cung cấp kiến thức ngữ pháp, đọc tài liệu chuyên môn hoặc giao tiếp đơn giản. Thực tế, chỉ có số ít trường dạy tiếng Anh chuyên ngành cho một số ngành đào tạo tại trường. “ Giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành còn khó khăn, thời lượng giảng dạy, chương trình và sách giáo khoa chưa đáp ứng nhu cầu học tập của từng đối tượng cụ thể. Đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản để giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành.” Ông Tiến lưu ý.

Để thay đổi thực trạng trình độ ngoại ngữ của học sinh sau tốt nghiệp TCCN, đề án tiếng Anh quốc gia 2020 được xác định là đạt được bậc 3 (B1) của khung năng lực ngoại ngữ Châu Âu. Giải pháp cho vấn đề này, TS Huỳnh Công Minh Hùng, Trường ĐH Mở TP.HCM cho rằng, cần xây dựng cộng đồng học tập trực tuyến, chú trọng đào tạo tiếng Anh chuyên ngành như cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, hóa dược, vật liệu mới, y sinh học…Ông Hùng cho rằng :” Nhà trường cần chú trọng đến học sinh, sinh viên thế hệ i hay còn gọi là “công dân kỹ thuật số”, không chỉ giảng dạy theo mô hình truyền thống mà tạo ra cộng đồng học tập trực tuyến.”

Ths Ngô Thị Lan Chi, Trường Trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist cho rằng :” Không có giáo trình nào đáp ứng hoàn toàn mong đợi. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi biên soạn giáo án điện tử, nội dung nào cần mà giáo trình không có thì thể hiện qua giáo án điện tử.”  TS Lê Thị Kiều Vân, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM kiến nghị đưa môn tiếng Anh chuyên ngành thành môn học bắt buộc giúp sinh viên xác định đúng động cơ học tập, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất để giảng dạy môn tiếng Anh…