Tri ân những người hy sinh cho y học

(VOH) - Sáng 28/6/2014, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã tổ chức lễ tiễn đưa và an táng những người hiến thi thể cho y học. Đây là hoạt động được tổ chức vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 hằng năm. Cùng với Lễ tri ân (hay còn gọi là lễ Macchabee) diễn ra trong khoảng từ ngày 10 – 15 tháng Chạp âm lịch là hai hoạt động để sinh viên và giảng viên bộ môn Giải phẫu học, Trường ĐH Y Dược TP.HCM nói riêng cũng như đội ngũ y, bác sĩ cả nước nói chung tri ân những người hiến thân cho y học.

Không gian của giảng đường học thực hành của Bộ môn Giải phẫu học, Trường ĐH Y Dược TP.HCM sáng nay không giống như thường lệ. Bên cạnh những sinh viên y khoa trong màu áo blouse trắng còn có cả thân nhân của những người đã hiến xác cho y học đến thăm viếng. Không có tiếng khóc buồn bã trên mặt những người thân mà chỉ có niềm tự hào trào dâng.

Trong dòng người thân đến nhận thi hài của cha, chị Nguyễn Thị Phượng ở Thanh Đa, Bình Thạnh nhớ lại, ngày còn sống, bố chị luôn là một người cha mực thước, gương mẫu. Ông cần mẫn làm việc để nuôi các con khôn lớn nên người. Chính vì thế, những bài học về nhân cách làm người, mấy anh chị em trong nhà không phải tìm kiếm đâu xa. Năm 2009 – 2 năm trước khi mất, bố chị - ông Võ Văn Quý, đã trình bày với các con về việc hiến xác cho y học sau khi mất.

Không quá bất ngờ trước quyết định của bố, nhưng một lần nữa, việc làm của ông cũng tác động không nhỏ đến suy nghĩ của chị Phượng. Tiếp bước theo cha, chị cũng đã đăng ký hiến thi thể cho y học sau khi mất. Và lúc này, công việc cuối cùng mà chị có thể làm là hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của ba. 

“Lúc quyết định hiến xác, ba đã 78 tuổi. Ba tôi nghĩ hiến vậy có ích cho xã hội thì làm, chứ chết thì xác cũng đem chôn hoặc đem thiêu. Khi mất, ba muốn hiến xác để sinh viên học, rồi sau này các nhà khoa học thí nghiệm, tìm cách chữa bệnh cho người khác” – Chị Phượng tâm sự.

Cùng suy nghĩ đó, trước khi chết bà Nguyễn Thị Út, ở Bình Dương đã làm đơn xin hiến thi thể cho bệnh viên ĐH Y Dược TP.HCM. Theo chị Nguyễn Thị Bé Ba, thân nhân của bà Nguyễn Thị Út thuật lại rằng, việc hiến thi thể cho y học của dì Út cũng là điều hiển nhiên. Khi còn sống, bà là người luôn quan tâm và thích làm những công việc thiện nguyện. Nhiều người bảo chết là hết nhưng với quan niệm của dì Út, nếu đem thân xác mình hiến cho khoa học để phục vụ sự sống thì cái chết đó còn mang nhiều ý nghĩa hơn.

Chị Bé Ba chia sẻ: “Tâm nguyện của dì là khi mất sẽ hiến xác cho ĐH Y Dược để sinh viên nghiên cứu, học tập. Gia đình rất tôn trọng ý kiến của dì và đã làm theo ý nguyện của dì. Giờ xong rồi, gia đình đưa dì đi hỏa táng và đem dì lên chùa gửi”.

Trong năm học vừa qua, có 46 thi hài hiến thân cho khoa học đã được Trường ĐH Y Dược TP.HCM sử dụng để đào tạo cho trên 2.000 sinh viên học thực hành, phục vụ 7 luận án tiến sĩ, nhiều luận văn thạc sĩ, làm cơ sở để hoàn thành trên 10 công trình nghiên cứu cũng như tổ chức các lớp học nâng cao tay nghề cho các bác sĩ trong và ngoài nước.

Chia sẻ với phóng viên, em Trương Thị Ngọc Mai, sinh viên lớp 2009A, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: đối với sinh viên ngành y, những người hiến thân cho y học giống như những người thầy im lặng. Họ lặng lẽ hy sinh bản thân mình để phục vụ cho sự phát triển ngành y. Tuy nhiên, khi sinh viên y bước vào phòng thực tập, điều mà họ biết về thi hài đang nằm đó chỉ là tên tuổi, ngày tháng năm sinh chứ ít có thêm thông tin nào khác. Chính vì vậy, dịp này cũng là khoảnh khắc để tri ân và thành tâm cúi lạy trước “người thầy” của mình.

Ngọc Mai xúc động: “Nhờ những người hiến xác cho y học mà các sinh viên mới có những thi hài tốt để nghiên cứu, học tập. Thật ra, bản thân tôi cũng rất tri ân những người đã hiến xác, và bà tôi cũng là người đã đăng ký hiến xác cho trường. Tôi cảm thấy rất biết ơn những người đã hiến xác và những người thân của họ”.

Như vậy, hôm nay, sau 2 năm phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thi thể của 46 người đã hiến cho sự phát triển của nền y học nước nhà được đưa tiễn về nơi hỏa táng. Sự ra đi của họ không hoàn toàn có nghĩa là kết thúc mà ngược lại còn gieo mầm sống cho cuộc sống mai sau.