Trung thu giờ của ai ?

Trung thu là Tết trẻ em - ngày duy nhất trong năm các em có không khí rước đèn, ngắm trăng, phá cỗ. Không khí "trong lành, ngây thơ" ấy từng thấm đẫm trong tuổi thơ của bao người, nay nhạt nhòa dần bởi "chất"Trung thu không còn của riêng những đôi mắt ngây thơ, lạ lẫm ?

Trong ký ức của bao người, rằm tháng 8 âm lịch, nơi nơi tổ chức rước đèn. Trẻ con lũ lượt nối nhau đi hết đường làng rồi tới lớp học. Trên tay đứa nào cũng xúng xính lồng đèn. Ở lớp, đã có sẵn mâm cỗ đơn sơ. Những chiếc lồng đèn được thi thố, được chấm điểm. Trong xóm, trẻ nhỏ hồn nhiên hát ca, khoe lồng đèn, góp bánh phá cỗ. Dưới ánh sáng dịu nhẹ của trăng, các lồng đèn lấp lánh quyện vào nhau mang theo sự ngây thơ, hồn nhiên trong trẻo đến lạ thường !

Lại nói về lồng đèn, thứ không thể thiếu trong mỗi mùa trung thu. Sự bồn chồn, háo hứng có lồng đèn đến trước trung thu cả tuần lễ. Cái ngày mà cha đem về khúc tre, tỉ mẩn chẻ nhỏ, chuốt cho từng nan tre thật tròn. Mẹ lụi cui quậy bột mì tinh làm hồ dán, rồi những tờ giấy kiếng đủ sắc màu được phủ lên. Con góp công cắt mấy cái tua rua để dán trang trí hay sơn phết lên lồng đèn theo ý thích. Cái cảnh chạy ra chạy vào coi lồng đèn phơi nắng đã đủ căng chưa càng làm phập phồng, chồn chân con trẻ chờ đến buổi rước đèn. Vậy nên, từng ngọn gió ùa qua trên đường rước đèn đủ làm cho những đứa trẻ vội vàng lấy tay che gió. Thảng hoặc có đứa lồng đèn bị cháy, mới cảm nhận xót xa về thứ mất mát đầu tiên trong đời. Có đứa khóc òa lên..

Ký ức ngọt ngào về mùa trung thu xưa cũ. Nguồn: internet.

Cuối buổi chiều của thời đại công nghệ và công nghiệp, người ta dừng vội vã, móc tiền và chỉ vào lồng đèn xếp giấy gắn pin hay có nhạc. Một đứa nhỏ ngồi trong căn phòng, máy lạnh chạy rì rì, làm sao cảm được cảm được cái thú chơi làm đèn, rước đèn. Trước mặt nó, người ta nghe quảng cáo trên ti vi: mua lốc sữa tặng chiếc lồng đèn cướp biển Caribê…

Trên bàn, có bánh trung thu. Đương nhiên, ngon hơn, hấp dẫn hơn, phong phú chủng loại hơn xưa. Vậy thì trẻ con vui hơn chứ ? Cũng có thể. Nhưng, cách đó một bức tường, người lớn chuẩn bị những hộp bánh trung thu cao cấp, nhân vi cá mập, chim yến, và có khi còn có rượu ngoại đính kèm. Giá cả thì “chát chúa” đôi khi gấp mấy lần tiền học phí của các em. 

Ăn bánh nướng, thưởng trà - thú vui tao nhã mỗi dịp trung thu. Nguồn: internet.

Rồi chơi trung thu ! Vài mẩu tin rời rạc, năm nay có dăm ba địa điểm chơi trung thu miễn phí dành cho các em nhỏ. Vậy ra, không phải cứ là trẻ con thì nghiễm nhiên được vui trung thu miễn phí sao ? Đêm rước trăng, người người chở con lao ra đường, lại kẹt xe, lại rước khói và bụi. Móc tiền, người người lại tìm những địa chỉ được chào mời có tổ chức trung thu để cố ru lòng giúp con có trung thu đúng nghĩa. Con phố lồng đèn Lương Nhữ Học rực rỡ nhất Sài Gòn, lướt qua trang mạng, đầy rẫy dòng tin trai xinh, gái đẹp ở phố lồng đèn, hot girl này tạo dáng, hot girl kia đeo mặt nạ vui chơi trung thu ? Người lớn “dành” trung thu của trẻ con vậy sao ?

Phố lồng đèn Lương Nhữ Học, quận 5 nhộn nhịp mỗi dịp trung thu về. Nguồn: internet.

Dẫu sao cũng có những niềm vui lấp lánh đọng lại trong các buổi phát quà trung thu dành cho trẻ nhọc nhằn, lang thang, cơ nhỡ, vùng sâu, vùng xa. Những lồng đèn giấy kiếng, bánh trung thu thủ công do chính các bạn trẻ làm hay do nhiều người khác quyên tặng. Với bao em nhỏ chưa một lần được nếm bánh trung thu, hẳn đó là khoảnh khắc lung linh, huyền diệu nhất !

Sẽ là ấu trĩ nếu cứ trách sao trung thu nay khác xưa ? Những ông bố bà mẹ tìm đâu ra thời gian, kiếm đâu ra tre nứa để làm đèn cho con. Đường sá Sài Gòn lúc nào cũng rực sáng, làm gì có chỗ thoáng đãng, đồng loạt tắt đèn như chốn thôn quê để ngắm rõ trăng tròn trên cao. Bánh trung thu thì ê hề đầu đường, cuối chợ...Nhưng điều mà ai cũng có thể làm được trong rằm tháng tám, đó là bữa cơm gia đình, là một buổi tối trăng rằm, cha mẹ "vứt bỏ" thiết bị thông minh để "sống" cùng con về sự tích chú Cuội, chị Hằng, trăng già, trăng non, chơi cùng con những trò chơi tuổi thơ hồn hậu…Vậy là đã chộn rộn lòng con trẻ lắm rồi !