Xét tuyển ĐH 2015: Đầu không xuôi…

(VOH) - Càng đến những ngày cuối, tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi nhiều thí sinh thay đổi quyết định ở “phút thứ 89”...

Thí sinh và phụ huynh đến rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: TTO

Mặc dù khâu đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 còn một tuần nữa mới kết thúc, thế nhưng sự rối rắm của nó đã phát sinh  ngay từ khi danh sách thí sinh được các trường công bố. Càng đến những ngày cuối, tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi nhiều thí sinh thay đổi quyết định ở “phút thứ 89”, rút hồ sơ ra để nộp vào trường khác. Điều đáng nói là cả thí sinh và cả phụ huynh đều trở thành những "chuyên gia bất đắc dĩ" phân tích, dự báo tình hình, nghe ngóng thông tin, đánh giá ngành này, trường kia ...để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Nhiều người ví von, xét tuyển vào ĐH chẳng khác nào chơi chứng khoán, với những màn rượt đuổi đầy gây cấn. Danh sách công bố từ các trường trong những ngày qua luôn biến động khôn lường. Những thí sinh điểm số không cao nhận ra vị trí của mình càng xa “ngưỡng an toàn”, nguy cơ trượt ngày càng cao. Nhiều em lo đến cả mất ăn mất ngủ, phân vân không biết nên rút ra hay nộp vào.

Tìm đến các phòng tuyển sinh các trường ĐH trong thời điểm này sẽ chứng kiến cảnh thí sinh phải xếp hàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để được làm thủ tục rút hồ sơ, cũng chừng ấy thời gian  để nhận lại hồ sơ đã nộp. Có trường hợp thí sinh, người nhà ở xa phải bỏ cả công ăn việc làm lên TP rút hồ sơ, nháo nhào tìm chỗ trọ, vì được hẹn ngày hôm sau mới được trả lại hồ sơ. Sau đó, lại tất bật sang trường khác để nộp lại, bắt đầu một cuộc đua mới, mà thí sinh không thể đoán được thứ hạng mình là ở đâu trong bảng xếp hạng khác. Nhiều chuyên gia nhận định với quy định xét tuyển như vậy cái sự mệt mỏi, tốn kém, căng thẳng cũng không khác gì kỳ thi tuyển sinh ở các năm trước.

Vậy, điều gì đã làm cho việc xét tuyển vào ĐH-CĐ dù mới ở đợt 1 thôi mà đã rối ren đến như vậy? Nguyên nhân chính là do Bộ cho phép thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng vào một trường theo thứ tự ưu tiên. Trong khi đó, các trường cào bằng các nguyện vọng là như nhau. Về bản chất, quy định này sẽ  tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển hơn, nếu có tình trạng thí sinh ảo thì cũng chỉ ảo cục bộ trong trường.

Thế nhưng, Bộ đã không lường trước cách làm này đã gây nên sự hiểu nhầm cho thí sinh vì không hiểu rõ luật chơi vốn còn quá mới mẻ. Lý do là tên của những thí sinh có điểm cao thường có mặt cùng lúc trong cả 4 ngành, vô tình đẩy các em có điểm thấp hơn xuống vị trí xa hơn ngưỡng an toàn. Điều này tạo tâm lý hoang mang cho thí sinh, mặc dù họ vẫn còn cơ hội trúng tuyển. Chính vì vậy những thí sinh ở vị trí báo động quyết định điều chỉnh nguyện vọng hoặc rút hồ sơ để nộp vào trường khác, dẫn đến lượng hồ sơ vào một ngành nào đó của một trường tăng lên đột biến, hoặc giảm đột ngột là điều khó tránh khỏi.

Bản thân nhiều trường cũng bất ngờ trước tình trạng thí sinh ồ ạt đến trường rút hồ sơ nên trở tay không kịp dẫn đến việc thí sinh chen chân, chờ chực để rút hồ sơ như đã xảy ra mấy ngày qua. Trong khi đó, phần mềm tuyển sinh của Bộ GD-ĐT lại không thể làm được điều này, nên các trường phải tự áp dụng phần mềm của riêng mình nhưng mỗi nơi mỗi kiểu.

Mới đây, để ứng phó với sự lộn xộn này, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn chỉ đạo các trường ĐH phối hợp với các Sở GD-ĐT để thí sinh có thể làm thủ tục rút hồ sơ tại địa phương. Theo đó, các Sở phải nhận hồ sơ thay đổi nguyện vọng của thí sinh, cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh, sau đó các trường ĐH-CĐ sẽ cập nhật thông tin từ Sở và cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ. Tuy nhiên, việc cập nhật thông tin quá nhiều khâu phức tạp trong khi thời hạn nộp hồ sơ sắp kết thúc, thí sinh nôn nóng chỉ muốn tự tay rút - nộp hồ sơ ngay tại trường cho yên tâm thay vì chong mắt nhìn màn hình hồi hộp xem tên mình đã có trong danh sách hay chưa.

So với các năm trước, thời điểm này, thí sinh đậu hay rớt đã biết kết quả ngay khi trường ĐH công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Năm nay, sự mơ hồ trong thông tin khiến thí sinh lẫn phụ huynh đều không biết được con em mình đậu rớt như thế nào. Có thể hôm nay đang ở vị trí này, hôm sau lại ở vị trí khác. Sự lo lắng, bất an đang lan rộng trong thí sinh có điểm thi không cao.

Dù mới ở đợt xét tuyển đầu tiên, vậy nhưng đã phát sinh rất nhiều vấn đề cho cả thí sinh lẫn nhà trường, khiến tình hình đã rối càng thêm rối. Các chuyên gia dự báo các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ còn căng thẳng hơn khi thí sinh có tới 3 giấy chứng nhận, mỗi giấy nộp vào một trường với 4 nguyện vọng, tổng cộng có đến 12 nguyện vọng. Như vậy, tình trạng thí sinh ảo sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần, khả năng đậu rớt càng khó phán đoán. Còn các trường, nhất là các trường tốp giữa hoặc tốp dưới sẽ khó nắm bắt được chính xác số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào trường mình.

Với những bất cập liên tục phát sinh trong quá trình xét tuyển nguyện vọng ở đợt 1, ngay từ bây giờ Bộ GDĐT cần nhanh chóng có những điều chỉnh kịp thời để tránh tình trạng "vỡ trận" ở giai đoạn xét tuyển nguyện vọng bổ sung với độ phức tạp hơn gấp nhiều lần./.